Làm các loại mứt tết

Các buổi họp mặt ngày Tết chắc chắn không thể thiếu hương vị cuốn hút, ngọt ngào của các loại mứt ngày Tết truyền thống. Tuy nhiên, mua mứt ở ngoài không đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, bạn có thể tự chế biến các loại mứt ngày Tết ngon không kém mua ở ngoài tiệm đâu nhé! Học cách làm mứt thơm ngon với NGHEBEP.COM sau đây.

1. Mứt hạt sen

Là một trong những loại mứt được yêu thích nhất, mứt hạt sen vừa thơm ngon lại có tác dụng giúp an thần, dễ ngủ. Nhâm nhi mứt hạt sen trong ngày Tết là lựa chọn tuyệt vời dành cho những ai quan tâm đến vấn đề sức khỏe.

mứt hạt sen ngon

Nguyên liệu làm mứt hạt sen:

  • 600gr hạt sen tươi
  • 300gr đường trắng
  • 1 muỗng cà phê vani

Cách làm mứt hạt sen truyền thống:

Bước 1: Hạt sen bỏ tim sen để không đắng. Đun sôi một nồi nước rồi đổ hạt sen vào luộc chín tới. Vớt hạt sen ra ngoài, xả qua nước lạnh cho sạch và ngâm vài phút cho nguội hẳn, để ráo nước.

Bước 2: Cho hạt sen vào tô, thêm chút đường vào đảo đều cho hạt sen ngấm đường, ướp như vậy khoảng 1-2 tiếng. Chắt phần nước đường vào chảo, nấu trên lửa vừa cho nước đường sánh lại. Sau đó cho hạt sen vào đảo thật nhẹ nhàng, tránh làm hạt sen vỡ nát.

Bước 3: Sên thêm vài phút rồi thêm vài giọt vani hoặc tinh dầu bưởi vào chảo. Tiếp tục đảo cho đến khi đường cạn, hạt sen khô lại và có đường bám trên chảo là có thể tắt nếp.

2. Mứt bí đao thơm ngọt

mứt bí đao thơm ngọt

Mứt bí đao với tác dụng làm đẹp da, lại thơm ngọt giòn sần sật hấp dẫn không biết bao chị em, tuy nhiên bí đao khi làm mứt có chút “khó nhằn” hơn các loại mứt khác.

Nguyên liệu làm mứt bí đao:

  • 1,5kg bí đao
  • 400gr đường trắng
  • 1 muỗng canh vôi bột
  • 1 muỗng cà phê tinh dầu bưởi

Cách làm mứt bí đao chuẩn vị:

Bước 1: Hòa tan vôi bột với 1,5l nước lạnh, sau đó lọc lấy nước vôi trong. Bí đao gọt vỏ và bỏ ruột, thái miếng có chiều dài cỡ ngón tay hay miếng vuông tùy ý. Ngâm bí vào nước vôi trong ít nhất 8 tiếng hoặc qua đêm. Sau 8 tiếng đổ bí ra rổ, rửa với nước nhiều lần cho thật sạch. Trải bí ra khay và phơi khô trong nắng nóng trong khoảng 4-5 tiếng.

Bước 2: Bắc một nồi nước lên bếp, đun với lửa vừa. Cho đường và nước lạnh vào nồi hoà tan. Khi nước đường sôi cho bí vào luộc chín với lửa nhỏ. Vớt bí đã chín ra và xếp vào khay, đem phơi chỗ thoáng gió trong vòng 4 tiếng.

Bước 3: Hòa tan phần đường còn lại với nước lạnh và đổ vào nồi, bắc lên bếp nấu lửa nhỏ. Khi nước đường sôi 2 phút thì cho bí đã phơi nắng vào, sên cho đến khi đường hơi sánh lại thì cho tinh dầu hoa bưởi vào. Tiếp tục sên cho đến khi đường khô ráo, kết tinh bám xung quanh bí là có thể tắt bếp.

Bước 4: Cuối cùng, trải mứt bí ra khay phơi ở nơi có gió trong vài tiếng cho mứt khô ráo hơn. Vậy là cách làm mứt bí đã hoàn thành.

3. Mứt gừng thơm dẻo ngọt

Hũ mứt gừng cắt sợi với màu sắc bắt mắt hấp dẫn sẽ góp phần làm đẹp và may mắn trong khay quà bánh ngày Tết của các gia đình!

Nguyên liệu làm mứt gừng

  • 400gr gừng
  • 1/4 trái thơm
  • 300gr đường trắng
  • 1 muỗng cà phê nước cốt chanh

Cách làm mứt gừng dẻo ngọt:

Bước 1: Gừng gọt sạch vỏ rồi thái sợi, ngâm vào nước muối loãng 5 phút rồi vớt ra, rửa sạch, để ráo. Dứa cắt hạt lựu hoặc xay nhuyễn tùy thích.

Bước 2: Đun 1 nồi nước sôi có vắt chút nước cốt chanh rồi cho gừng vào luộc khoảng 3-4 phút, thay nước mới và luộc lại lần nữa cho bớt chất cay, sau đó thả gừng vào chậu nước lạnh và ngâm khoảng 10 phút cho nguội bớt, vớt ra để ráo nước.

Bước 3: Cho gừng, thơm đã sơ chế cùng đường vào tô to trộn đều và ướp trong khoảng 2 tiếng, thi thoảng đảo đều cho đường ngấm đều vào các nguyên liệu.

Bước 4: Bắc chảo lên bếp, vặn lửa nhỏ. Cho gừng, thơm ngâm đường vào chảo đun sôi, cứ 3-5 phút thì đảo 1 lần đến khi nước đường rút bớt nước và có độ sệt, đường kết tinh quanh mứt gừng, mứt đã chuyển sang màu trong thì tắt bếp.

4. Mứt dừa giòn ngon sần sật

mứt dừa giòn ngon

Mứt dừa ngọt thanh, thơm thơm, giòn sần sật là món ăn vặt nhà nhà, người người đều yêu thích trong những ngày Tết.

Nguyên liệu làm mứt dừa:

  • 1kg cơm dừa bánh tẻ
  • 500gr đường cát
  • 1 hộp sữa đặc

Cách làm mứt dừa bánh tẻ:

Bước 1: Bổ đôi quả dừa ra, dùng dao nạo để cắt dừa thành những sợi dài và mỏng. Sau khi nạo xong, xả dừa thật sạch vài lần với nước, sau đó ngâm vào nước lạnh trong khoảng 12 – 14 giờ để loại bớt dầu dừa.

Bước 2: Vớt cùi dừa ra, rửa với nước sạch thêm vài lần nữa cho hết hẳn dầu, để ráo nước. Có thể ngâm cùi dừa vào nước ấm khoảng 75 – 80 độ để khử dầu dừa nhanh, để ráo nước.

Bước 3: Cho cùi dừa đã sơ chế vào tô và trộn đường vào theo tỷ lệ 1kg dừa : 0,5kg đường. Nếu cho thêm khoảng 2 – 3 muỗng sữa đặc thì mứt dừa sẽ thơm và béo ngậy hơn. Ủ cơm dừa với đường trong khoảng 10 – 12 giờ cho đường ngấm đều. Khi đã đủ thời gian ủ, cùi dừa sẽ chuyển sang màu trắng trong, lúc này có thể đem dừa đi sên.

Bước 4: Làm nóng một chảo gang to, dày trên bếp. Sau đó bạn đổ hỗn hợp cùi dừa vào, chỉnh lửa nhỏ lại và đảo liên tiếp, nhẹ nhàng tránh đứt gãy sợi và khê, vón cục đường.

Khi nước đường cạn thì bạn phải giảm lửa ở mức nhỏ nhất và đảo đều tay. Đến khi bạn thấy sợi dừa dần tách rời nhau và có phấn trắng bám xung quanh thì tắt bếp, nhung vẫn đảo thêm khoảng 3 phút cho nguội hẳn, đổ mứt ra mâm và để cho mứt dừa thật nguội. Bạn có thể đem mứt ra phơi ngoài nắng vài tiếng cho mứt khô, trắng hơn.

5. Mứt xoài dẻo thơm ngọt

Cách làm mứt xoài chua cay sấy dẻo

Những miếng mứt xoài mềm thơm, có chút chua chút ngọt, để nhâm nhi cùng với trà nóng thì còn không còn gì tuyệt vời bằng. Chắc chắn đây sẽ là một trong những loại mứt được yêu thích nhất trong mùa Tết này.

Nguyên liệu làm mứt xoài:

  • 1kg xoài xanh
  • 2 muỗng canh vôi bột
  • 600gr đường trắng
  • 1 muỗng canh phèn chua

Cách làm mứt xoài dẻo thơm ngọt

Bước 1: Xoài đem rửa sạch, gọt vỏ, cắt xoài thành những miếng dày và dài vừa ăn. Hòa 2 muỗng canh bột vôi vào 2l nước sạch, đợi lắng xuống, gạn lấy nước trong, sau đó cho xoài vào ngâm khoảng 3 tiếng.

Bước 2: Sau 3 tiếng vớt xoài ra rửa sạch cho hết mùi vôi. Bắc 1 nồi nước lên bếp, cho thêm vào 1 muỗng canh phèn chua, đun sôi nước rồi cho xoài vào chần qua, đổ ra rửa lại với nước.

Bước 3: Ngâm xoài với 600gr đường, thi thoảng đảo lên cho đường ngấm đều váo các miếng xoài. Khi đường tan hết, đổ xoài ngâm đường vào chảo sên trên lửa nhỏ, thỉnh thoảng đảo đều cho miếng xoài và đường ngấm đều. Sên cho đến khi thấy miếng xoài chuyển màu trong, nước đường cạn và sánh lại thì tắt bếp.

Bước 4: Đợi mứt nguội rồi cho vào lọ dùng dần. Nếu muốn mứt xoài khô hơn, bạn có thể cho vào tủ lạnh hoặc sấy trong lò ở nhiệt độ 100 độ C trong vòng 40 – 60 phút. Khi mứt nguội hẳn thì bảo quản hũ kín dùng dần.

6. Mứt củ dền đỏ thơm ngon độc đáo

Miếng mứt củ dền dai giòn, ngọt dịu, mang màu đỏ bắt mắt, dùng để trưng bày trên khay bánh kẹo hứa hẹn mang đến nhiều điều may mắn cho gia đình trong những ngày Tết sắp đến.

Nguyên liệu làm mứt củ dền:

  • 500gr củ dền đỏ
  • 200gr đường trắng
  • 1/2 muỗng cà phê muối
  • 1 muỗng cà phê vani

Cách làm mứt củ dền đỏ:

Bước 1: Củ dền gọt vỏ, thái sợi thành các miếng đều nhau rồi rửa sạch lại với nước. Đun 1 nồi nước sôi có nêm ít muối và cho củ dền thái sợi vào chần sơ qua trong vòng 1 phút. Vớt củ dền ra, sả sơ qua nước lạnh cho nguội hẳn, để ráo nước.

Bước 2: Cho củ dền vào tô, trộn đều với đường đã chuẩn bị và ướp trong khoảng 1-2 tiếng. Sau đó, cho củ dền lẫn nước đường vào chảo đun lửa to, khi ước đường sôi thì hạ lửa nhỏ, thi thoảng đảo đều cho mứt không bị cháy.

Bước 3: Thêm vani vào chảo, tiếp tục sên cho đến khi mứt cạn nước đường thì tắt bếp. Nhưng vẫn đảo thêm vài phút cho đến khi mứt sẽ khô dần và có đường kết tinh bám xung quanh mứt. Cứ đảo cho đến khi mứt khô hoàn toàn và nhiệt độ trong chảo giảm hẳn là được.

Bước 4: Trút mứt ra dĩa thưởng thức ngay hoặc bảo quản trong lọ kín dùng dần.

Để thành thạo hơn trong cách làm các món mứt, bạn có thể tham gia khóa học món Việt của Đào Tạo Nghề Bếp Á Âu. Trong khóa học này bạn sẽ được tiếp cận chương trình học siêu hấp dẫn.

Hy vọng với hướng dẫn cách làm các loại mứt ngày Tết mà Nghebep.com vừa chia sẻ, các đầu bếp gia đình có thể thỏa thích trổ tài khéo tay trong dịp lễ truyền thống bằng những món mứt quen thuộc mà vẫn đảm bảo hương vị và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mời bạn đánh giá bài viết để chúng tôi phục vụ bạn tốt hơn!

Điểm: 4.64 (11 bình chọn)

Tác giả: Nata Makiro

Từ nhỏ, tôi thường vào phụ mỗi khi Mẹ nấu ăn. Tôi thích những món ăn mà Mẹ tôi nấu, vì trong đó có tuổi thơ, có tình yêu thương mà Mẹ dành cho tôi. Lớn lên tôi mang cái tâm để đi theo Nghề Bếp.

Ý kiến của bạn