Đầu Bếp Heston Blumental

Tiếp xúc với nghề bếp từ khi còn rất trẻ, Huston Blumenthal dường như sinh ra để làm một thiên tài nấu nướng. Ông nổi tiếng là người tiên phong cho trường phái ẩm thực phân tử tại Anh cùng học thuyết nấu ăn theo phương pháp Đa giác quan (Multi – Sensory Cooking). Heston Blumenthal đã viết nên câu chuyện đầy cảm hứng về niềm đam mê ẩm thực như thế nào? Mời bạn đón đọc bài viết sau đây của Nghề Bếp Á Âu

Heston Blumenthal được xếp vào danh sách những đầu bếp tài năng nhất của ẩm thực đương đại. Không chỉ làm chủ nhà hàng đạt chuẩn 3 sao Michelin, ông còn được biết đến là một người có tính cách thú vị, là một “thiên tài nổi loạn” cực cá tính. Cả đời Heston Blumenthal cống hiến cho nghề bếp và ông có công lớn trong việc đưa nền ẩm thực phân tử của nước Anh chạm đến đỉnh cao.

Heston Bluementhal
Heston Bluementhal – đầu bếp tiên phong cho nền ẩm thực phân tử Anh. (Ảnh: Internet)

Đến với nghề bếp như một cái duyên

Heston Blumenthal (1966) sinh ra tại Kensington, London. Cha của ông là người Do Thái và mẹ là người Anh chuyển sang Do Thái giáo. Dù không sinh ra trong một gia đình có truyền thống nấu ăn ngon hay thậm chí không ở một quốc gia nổi tiếng về ẩm thực, song điều đó không thể cản trở cái duyên nghề bếp tìm đến với ông.

Vào năm 16 tuổi, trong một lần đi du lịch đến Pháp cùng gia đình, chàng trai Heston Blumenthal nhanh chóng bị mê hoặc bởi thế giới đầy màu sắc của ẩm thực. Nhận thấy niềm đam mê của mình là nấu nướng, sau đó ông đã dành ra một thập kỷ tiếp theo để học những kiến thức cơ bản về ẩm thực Pháp thông qua sách vở, cũng như làm mọi việc từ một nhân viên photocopy đến người thu nợ để có tiền đến Pháp nghiên cứu ẩm thực hằng năm. Một trong những cuốn sách gây ảnh hưởng nhất đến Heston là “On Food and Cooking” của Harold McGee – nơi đã cho ông kiến thức cơ bản về nấu nướng cũng như cách áp dụng khoa học vào ẩm thực.

Đam mê là không chờ đợi

Năm 1995, với số tền ít ỏi kiếm được từ việc làm nghề bếp, Heston mở nhà hàng The Fat Duck tại Bray (London, Anh) để theo đuổi đam mê của mình. Ban đầu, nơi đây chỉ là một quán rượu nhỏ và việc kinh doanh khó khăn đến mức sau này ông đã quyết định bán nhà và xe để xây dựng The Fat Duck thành một nhà hàng lớn hơn. Blumenthal từng tâm sự: “Có những lúc chỉ một mình tôi đứng bếp, tôi đã phải ra khỏi nhà từ 5 giờ sáng hôm trước và làm việc đến tận 2 giờ sáng hôm sau để có thể chuẩn bị kịp đồ ăn cho nhà hàng”.

Bên trong nhà hàng The Fat Duck
Bên trong nhà hàng The Fat Duck đẳng cấp 3 sao của đầu bếp Blumenthal. (Ảnh: Internet)

Nhưng những khó khăn không làm đầu bếp trẻ nản lòng. Sau gần 10 năm hoạt động, The Fat Duck hiện nay là một trong những nhà hàng 3 sao Michelin nổi tiếng nhất thế giới. Nhà hàng của ông giành được ngôi sao Michelin đầu tiên vào năm 1999, lần thứ hai vào 2001 và lần thứ ba vào năm 2004. Đúng một năm sau, The Fat Duck xếp hạng nhất trong top 50 nhà hàng tốt nhất thế giới do tạp chí Restaurant Magazine bình chọn. Các nhà hàng khác của ông sau này cũng lần lượt giành được sao Michelin.

Người viết nên câu chuyện cho nền ẩm thực nước nhà

Phong cách nấu ăn của Heston Blumenthal chịu ảnh hưởng nhiều từ đầu bếp nổi tiếng người Tây Ban Nha Ferran Adrià – một trong những người thầy đầu tiên của ông. Nhà phê bình ẩm thực nổi tiếng thế giới người Anh Giles Coren từng nhận xét Heston là “thiên tài điên cuồng” nhằm nhấn mạnh cá tính khác biệt cũng như tài năng vượt trội trong việc sáng tạo và chế biến món ăn.

Heston được xem là người tiên phong, định hình cho phong cách ẩm thực phân tử nước Anh trong hơn 10 năm qua với những thuật ngữ cực kỳ khó hiểu như vide sous, nito lỏng, xanthum gum… Không sinh ra trong một gia đình có truyền thống nấu ăn ngon, không ở một quốc gia nổi bật về ẩm thực, điều đó khiến mọi người phải đặt câu hỏi: nhờ đâu mà Heston Blumenthal có được niềm cảm hứng, sự đam mê và sáng tạo vô tận trong tạo ra những món ăn đậm chất ẩm thực phân tử đỉnh cao?

Trứng ngàn năm
“Trứng ngàn năm” – một tác phẩm ẩm thực độc đáo đến từ The Fat Duck. (Ảnh: Internet)

Nhà hàng The Fat Duck phục vụ 260 ngày trong năm, mỗi ngày khoảng 42 thực khách. Để có thể thưởng thức các món ăn với hương vị đẳng cấp 3 sao Michelin tại đây, thực khách thậm chí phải đặt bàn trước hàng tháng trời. Một nơi thưởng thức ẩm thực với không gian không quá rộng lớn, nhưng ấm cúng và có phong cách bài trí ấn tượng, giống như cá tính của người tạo ra nó.

Hiện tại, đầu bếp nổi tiếng này đã tích lũy được hơn 600 công thức nấu ăn, phần lớn là các món ăn mang phong cách ẩm thực phân tử và theo học thuyết nấu ăn Đa giác quan (Multi – Sensory Cooking). Ông thường xuyên xuất hiện trong chương trình nấu ăn nổi tiếng quay ngay tại nhà hàng của mình như một cách để quảng bá thương hiệu. Heston Blumenthal cũng nhận được nhiều giải thưởng, được trao tước OBE (Tiểu Hiệp Sĩ) bởi Hoàng gia Anh nhằm tôn vinh những đóng góp to lớn của ông cho nền ẩm thực nước nhà.

Dù rất nổi tiếng và giàu có nhưng Heston Blumenthal là một người giản dị, thậm chí ăn mặc có phần lập dị vì mỗi lần xuất hiện ông thường mang trên mình mặc một chiếc áo khoác màu xanh nhạt với quần jean cùng màu. Mọi người hay gọi Heston là “người đàn ông màu xanh” (Green Man). Tính cách khác biệt và thú vị cũng ảnh hưởng lên cách ông nấu ăn và xây dựng thương hiệu The Fat Duck. Heston cũng được biết đến là một đầu bếp thân thiện, ông thường xuyên pha trò với các nhân viên trong nhà hàng và trò chuyện vui vẻ cùng thực khách.

Đầu bếp người Anh nổi tiếng
Đầu bếp người Anh nổi tiếng với tính cách vui vẻ, gần gũi. (Ảnh: Internet)

Không chỉ là một đầu bếp giỏi sở hữu chuỗi nhà hàng đẳng cấp 3 sao Michelin danh giá, hay là người đóng góp vào nền ẩm thực phân tử nước nhà, Heston Blumenthal đã kể lại một câu chuyện đầy cảm hứng về sự chăm chỉ, không ngừng nỗ lực để theo đuổi ước mơ của chính mình. Theo dõi NGHEBEP.COM thường xuyên để cập nhật cho mình những kiến thức hay và bổ ích khác nhé

Mời bạn đánh giá bài viết để chúng tôi phục vụ bạn tốt hơn!

Điểm: 4.73 (11 bình chọn)

Tác giả: Nata Makiro

Từ nhỏ, tôi thường vào phụ mỗi khi Mẹ nấu ăn. Tôi thích những món ăn mà Mẹ tôi nấu, vì trong đó có tuổi thơ, có tình yêu thương mà Mẹ dành cho tôi. Lớn lên tôi mang cái tâm để đi theo Nghề Bếp.

Bài viết liên quan

Ý kiến của bạn