Thực Đơn Ăn Uống Cho Người Bị Đau Dạ Dày

Cuộc sống hiện đại đã khiến người trẻ phải đối mặt với không ít căng thẳng. Stress là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh đau dạ dày. Vậy thực đơn ăn uống cho người bị đau dạ dày cần lưu ý những gì điều gì? Cùng Nghề Bếp Á Âu tìm hiểu qua bài viết này nhé.

Người bị đau dạ dày

Người bị đau dạ dày cần tuân thủ chế độ ăn uống hợp lý, khoa học (Ảnh: Internet)

Người bị đau dạ dày nên ăn những thực phẩm gì?

Chuối

Bệnh nhân dạ dày nên ăn chuối chín và ăn khi no. Chất kali có trong chuối giúp giảm huyết áp, trung hòa lượng axit có trong dịch dạ dày và làm giảm nguy cơ viêm dạ dày, sưng tấy đường ruột. Chất xơ hòa tan có trong chuối hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả, hạn chế chứng ợ chua, rất có lợi với người bị rối loạn tiêu hóa, mắc bệnh táo bón.

Đu đủ

Ăn đu đủ thường xuyên sẽ giúp cải thiện tình trạng khó tiêu, đầy bụng, no lâu vì đu đủ giúp kích thích hệ tiêu hóa. Lượng đu đủ thích hợp cho người đau dạ dày là khoảng 2 – 3 quả đu đủ ép lấy nước và chia làm 3 phần uống trong ngày. Các chất trong đu đủ cũng giúp thúc đẩy sản sinh acidic lành mạnh, xoa dịu dạ dày đang viêm, sưng tấy. Đu đủ cũng giúp điều trị táo bón hiệu quả.

Gừng

Gừng là liều thuốc tốt cho tình trạng đau dạ dày, đầy hơi, khó tiêu. Gừng có vị ấm, chứa chất kháng viêm, chống oxy hóa nên có tác dụng giảm đau dạ dày rất hiệu quả. Bạn có thể dùng gừng trực tiếp bằng miếng gừng tươi, kẹo gừng hay thêm gừng trong các tách trà nóng mỗi khi lên cơn đau dạ dày.

Táo

Táo chứa rất nhiều pectin giúp thúc đẩy hoạt động của hệ dạ dày – ruột, giúp quá trình bài tiết của hệ tiêu hóa diễn ra thuận lợi hơn. Những chất dinh dưỡng có trong táo cũng giúp nâng cao sức đề kháng cho người bệnh đau dạ dày, ngăn chặn tình trạng viêm loét dạ dày xảy ra.

Sữa chua

Sữa chua không đường, không béo là thực phẩm rất tốt cho người bệnh dạ dày. Với người có hệ tiêu hóa nhạy cảm thì không nên dùng sữa chua nhiều đường hay các chất hương liệu. Trong sữa chua chứa rất nhiều lợi khuẩn sống giúp đường ruột khỏe mạnh và tăng khả năng miễn dịch cho cơ thể. Bên cạnh sữa chua, những thực phẩm chứa nhiều probiotic tương tự như kim chi, dưa cải bắp cũng có tác dụng chống viêm loét dạ dày.

Sữa chua

Sữa chua chứa lợi khuẩn giúp đường ruột khỏe mạnh hơn (Ảnh: Internet)

Tinh bột

Khoai tây chứa hàm lượng tinh bột cao giúp bảo vệ dạ dày, thúc đẩy nhu động dạ dày và đường ruột. Cơm trắng cũng có tác dụng làm cơn đau dạ dày thuyên giảm rất tốt. Cơm mềm, dễ tiêu hóa, có thể hấp thụ các chất lỏng bên trong dạ dày, hạn chế dạ dày tiết ra nhiều axit và làm giảm nguy cơ tiêu chảy. Nếu cơn đau dạ dày của bạn trở nên khó chịu hơn, hãy dùng những thực phẩm bổ sung tinh bột như bánh mì nướng, khoai tây luộc, cơm trắng…

Cam thảo

Cam thảo là vị thuốc dân gian rất thường được sử dụng trong điều trị bệnh về tiêu hóa như viêm loét, trào ngược dạ dày. Rễ cam thảo chứa hợp chất có tác dụng làm dịu dạ dày, chống viêm, chống đái tháo đường, chống oxy hóa, kháng khuẩn và giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn. Người bệnh dạ dày nên dùng khoảng 3g cam thảo mỗi ngày trong 4 – 6 tuần để làm giảm những cơn đau dạ dày.

cam thảo

Cam thảo có tác dụng chống viêm, giảm cơn đau dạ dày (Ảnh: Internet)

Một số lưu ý trong ăn uống

Cần lưu ý thực phẩm phải được nấu chín, ninh nhừ, nghiền nhuyễn để làm giảm co bóp của dạ dày, giảm bài tiết dịch vị và giúp người đau dạ dày dễ dàng tiêu hóa thức ăn. Các bữa ăn nên được chia nhỏ trong ngày để dạ dày thường xuyên có thức ăn trung hòa các axit dịch vị. Tránh để dạ dày quá rỗng vì dạ dày sẽ co bóp mạnh hơn, có thể gây chảy máu dạ dày. Tuy nhiên cũng nên hạn chế việc ăn quá no. Nếu ăn quá no, dạ dày căng cứng, tiết ra nhiều axit và tăng nguy cơ tái phát cơn đau dạ dày.

Những món luộc, hấp sẽ tốt cho hệ tiêu hóa của người đau dạ dày hơn là các món chiên, xào nhiều dầu mỡ. Nhiệt độ thức ăn cũng ảnh hưởng đến sự kích thích của dạ dày. Thức ăn ấm ở nhiệt độ 40 – 50 độ C sẽ giúp dạ dày dễ tiêu hóa, hấp thụ và không bị kích thích. Tránh những thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh vì điều này sẽ khiến dạ dày co bóp mạnh, dễ làm niêm mạc dạ dày bị xung huyết và gia tăng những cơn đau dạ dày.

Nồng độ thức ăn cũng là yếu tố ảnh hưởng đến việc tiêu hóa. Cần hạn chế những thức ăn quá đặc, khô vì sẽ làm men tiêu hóa khó thấm vào thức ăn. Ngược lại, thức ăn quá lỏng sẽ pha loãng men tiêu hóa khiến việc tiêu hóa bị chậm lại và kéo dài. Do đó, người đau dạ dày cần chú ý không ăn quá nhiều canh hay uống nhiều nước trong khi ăn. Cách ăn hợp lý là ăn hết cơm sau đó mới uống canh, lượng nước canh phù hợp khoảng 100 – 200 ml/ bữa.

Ngoài ra, người đau dạ dày cũng cần kiêng ăn những món ăn có vị cay nồng. Những gia vị cay như ớt, tiêu, sa tế, cà ri… sẽ làm tăng lượng axit trong dịch dạ dày, gây viêm dạ dày và đẩy nhanh tốc độ hình thành vết loét nghiêm trọng hơn. Những loại trái cây có vị chua như cam, bưởi, chanh, me, trái cây còn xanh cứng như cóc, ổi, xoài xanh, táo… cũng có thể gây tổn thương niêm mạc dạ dày.

đau dạ dày cần kiêng ăn đồ cay

Người đau dạ dày cần kiêng ăn những món ăn cay nồng (Ảnh: Internet)

Các loại thực phẩm chế biến sẵn như chả lụa, lạp xưởng, thịt xông khói, thịt nguội… thường chứa nhiều muối nên cũng không tốt cho người đau dạ dày. Đặc biệt, rượu, bia và thuốc lá là các chất kích thích tuyệt đối gây hại và khiến tình trạng bệnh dạ dày trở nặng hơn.

Gợi ý thực đơn ăn uống cho người bị đau dạ dày

Thực đơn thứ 2 – 5

Bữa sáng: cháo thịt băm, sữa chua

Bữa trưa: cơm nát, thịt băm rang, cá trôi kho nhừ, rau cải xào tỏi, canh rau, thanh long tráng miệng

Bữa tối: cơm nát, thịt xào cà chua, trứng chiên, nước bí xanh luộc

Thực đơn thứ 3 – 6 – chủ nhật

Bữa sáng: phở thịt

Bữa trưa: cơm nát, cá quả hấp gừng hành, đậu xốt cà chua, su su luộc, dưa hấu tráng miệng

Bữa tối: cơm nát, thịt gà rang, bí đỏ xào tỏi

Bí đỏ

Bí đỏ là thực phẩm làm dịu cơn đau dạ dày hiệu quả (Ảnh: Internet)

Thực đơn thứ 4 – 7

Bữa sáng: bánh mì, sữa tươi

Bữa trưa: thịt kho trứng, cải trắng xào nhỏ, canh cải trắng, hồng xiêm tráng miệng

Bữa tối: cơm nát, thịt bò xào hành tỏi, tôm rang, canh rau củ

Hy vọng những gợi ý về thực đơn dinh dưỡng hàng ngày cho người đau dạ dày đã giúp bạn tháo gỡ những thắc mắc trong quá trình điều trị bệnh dạ dày, cải thiện tình trạng sức khỏe và tận hưởng cuộc sống tốt hơn. Đừng quên ghé Nghề Bếp Á Âu thường xuyên để cập nhật những bài viết bổ ích nhé.

Mời bạn đánh giá bài viết để chúng tôi phục vụ bạn tốt hơn!

Điểm: 3.98 (17 bình chọn)

Tác giả: Thanh Tuyền Lê Thị

Mình là Thanh Tuyền - Một nội trợ cho gia đình. Tôi yêu thích chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm về những thực đơn món ăn và đó cũng là một trong những bí quyết gìn giữ hạnh phúc gia đình. Cảm ơn các bạn đã theo dõi mình !

Bài viết liên quan

Ý kiến của bạn