Người mắc bệnh tim cần tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh, nghỉ ngơi hợp lý để việc điều trị bệnh có hiệu quả. Cùng tham khảo những gợi ý về thực đơn dinh dưỡng hàng ngày cho người mắc bệnh tim để có một chế độ ăn uống khoa học, hợp lý.
Để việc điều trị bệnh tim có kết quả tốt, việc ăn uống lành mạnh là rất quan trọng (Ảnh: Internet)
Nguyên tắc xây dựng thực đơn cho người bệnh tim
Hạn chế ăn mặn
Ăn muối góp phần làm tăng huyết áp, khiến bệnh tim mạch có nguy cơ trở nặng hơn. Do đó cắt giảm muối và hạn chế ăn mặn rất quan trọng trong việc xây dựng chế độ ăn cho người bệnh tim. Người bệnh tim cần hạn chế ăn những món ăn có gia vị mặn, tránh dùng hoặc dùng rất ít nước mắm, muối, cá, thịt khô hay bột ngọt trong nấu nướng. Lượng muối phù hợp cho người bệnh tim vào khoảng 5 – 10g muối/ ngày.
Bên cạnh việc giảm lượng muối trong khi chế biến, bạn cũng cần lưu ý những thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn cũng tích trữ khá nhiều muối. Người bệnh tim nên ăn những thực phẩm tươi, tự nấu, các món ăn mềm như súp hay món hầm và hạn chế tối đa những đồ ăn đóng hộp hay đã được chế biến sẵn.
Bổ sung nhiều rau và trái cây
Thực đơn cho người bệnh tim cần bổ sung nhiều rau và trái cây để cung cấp lượng vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Rau, trái cây tươi chứa nhiều chất có tác dụng tốt đối với bệnh bệnh tim mạch, có thể kể đến bưởi giúp giảm lượng mỡ trong máu, cà chua giúp giảm nguy cơ bị tai biến mạch máu não.
Thực đơn cho người bệnh tim cần có nhiều rau và trái cây (Ảnh: Internet)
Để có chế độ ăn nhiều chất xơ tốt cho tim mạch, bạn cũng cần lưu ý chọn rau quả tươi hoặc được để đông lạnh, trái cây đóng hộp phải được chứa trong nước hoặc nước ép trái cây, không thêm đường hoặc các chất phụ gia khác.
Chọn ngũ cốc nguyên hạt
Với người mắc bệnh tim, bột mì nguyên cám 100%, bánh mì ngũ cốc nguyên cám là những thực phẩm chứa hàm lượng lớn chất xơ và vitamin B rất tốt cho sức khỏe. Một số thống kế cho thấy những người có khẩu phần ăn trung bình 28g ngũ cốc nguyên hạt/ngày có nguy cơ tử vong thấp hơn 5%, đối với bệnh tim mạch giảm tới 9%.
Ngoài ra, người bệnh tim cũng nên bổ sung vào thực đơn dinh dưỡng hàng ngày của mình các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, lúa mạch, kiều mạch, mì ống nguyên chất và bột yến mạch. Hạn chế ăn bánh rán, bánh quế đông lạnh, các loại bột trắng đã qua tinh chế.
Hạn chế chất béo không lành mạnh
Để giảm lượng cholesterol trong máu và nguy cơ mắc bệnh mạch vành, người bệnh tim cần cắt giảm lượng chất béo bão hòa và tuyệt đối không sử dụng chất béo chuyển hóa trong khẩu phần ăn hàng ngày. Chất béo chuyển hóa có nhiều trong đồ ăn nhanh, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, thức ăn chế biến sẵn…
Việc hạn chế chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa sẽ góp phần giảm lượng cholesterol, giảm nguy cơ tích tụ mảng bám trong động mạch gây xơ vữa động mạch, hạn chế nguy cơ nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não và đột quỵ.
Hãy sử dụng chất ít béo thay thế cho chất béo bão hòa như sữa chua ít béo, sữa nguyên chất không đường, thực phẩm ít đường, thịt nạc có ít hơn 10% chất béo. Bên cạnh đó, chất béo không bão hòa dạng đơn có khả năng làm giảm cholesterol xấu.
Cá hồi, bơ, là những thực phẩm chứa chất béo không bão hòa (Ảnh: Internet)
Dầu ô liu, dầu hạt cải, dầu thực vật từ các loại hạt chứa chất béo không bão hòa dạng đơn là những lựa chọn tốt cho người mắc bệnh tim. Chất béo không bão hòa dạng đa trong một số loại cá như cá hồi, cá thu, bơ quả hạch, quả bơ cũng giúp giảm nồng độ cholesterol trong máu.
Người mắc bệnh tim nên ăn những thực phẩm gì?
Bột yến mạch
Bột yến mạch chứa nhiều omega – 3, acid folate, kali và chất xơ, có tác dụng giảm nồng độ cholesterol xấu có hại cho sức khỏe, giúp tuần hoàn máu tốt hơn và duy trì cân nặng hiệu quả. Người mắc bệnh tim nên chọn các loại bột yến mạch nghiền nhỏ chứa nhiều chất xơ thay vì yến mạch chế biến sẵn.
Dầu ô liu
Dầu ô liu chứa các chất béo không bão hòa dạng đơn có tác dụng có tác dụng hạ thấp lượng đường glucose trong máu và cholesterol, giảm tác động tiêu cực lên hệ tim và hạn chế nguy cơ tiến triển của các bệnh lý về tim mạch.
Hạnh nhân
Hạnh nhân cũng là một thực phẩm có công dụng giảm lượng cholesterol trong máu rất tốt. Hạnh nhân còn giàu chất xơ, vitamin E và protein, những dưỡng chất rất cần thiết cho người mắc bệnh tim mạch. Bên cạnh hạnh nhân, người bệnh tim cũng nên bổ sung những thực phẩm giàu protein và vitamin E tương tự như đậu nành, đậu Hà Lan, đậu phộng….
Hạnh nhân giàu chất xơ, vitamin E và protein rất tốt cho tim mạch (Ảnh: Internet)
Bơ
Bơ chứa carotenoid, một dạng sắc tố có khả năng chống lại các tác nhân oxy hóa bên ngoài, hỗ trợ chữa bệnh tim mạch hiệu quả. Người mắc bệnh tim nên ăn bơ kèm với các loại rau củ khác như cà rốt, cải bó xôi để tăng cường khả năng hấp thụ dưỡng chất.
Cá hồi
Lượng axit béo omega – 3 dồi dào có trong cá hồi thực sự rất tốt cho người bệnh tim, giúp giảm mức cholesterol, chống lại bệnh mạch vành, rối loạn nhịp tim, hỗ trợ lưu thông máu và điều hòa huyết áp ổn định.
Chocolate đen nguyên chất
Thường xuyên ăn chocolate đen sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim (Ảnh: Internet)
Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy, chocolate đen chứa tối thiểu 60 – 70% cacao không đường trong thành phần có tác dụng kiểm soát huyết áp, chống viêm, giảm mỡ máu, giảm tình trạng máu đông, tắc nghẽn động mạch và hỗ trợ điều trị các bệnh về tim mạch hiệu quả.
Một số lưu ý
Uống nước vừa đủ
Người mắc bệnh tim không nên uống quá nhiều nước mà chỉ nên uống theo nhu cầu của cơ thể, khi cảm thấy khát nước. Quá nhiều dịch trong hệ tuần hoàn sẽ khiến tim làm việc vất vả hơn. Những trường hợp suy tim nặng cần hạn chế uống khoảng 1 lít nước/ ngày. Tuy nhiên nếu uống quá ít nước có thể gây tụt huyết áp, chóng mặt, do đó lượng nước uống của người mắc bệnh tim cần được kiểm tra cẩn thận theo tiến triển của bệnh.
Từ bỏ thuốc lá
Thuốc lá gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ tim mạch. Khói thuốc lá làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, thúc đẩy hình thành cục máu đông, tăng nguy cơ đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, tai biến, suy tim… dẫn đến tử vong.
Hoạt động thể chất
Bạn cũng nên luyện tập những môn thể thao nhẹ nhàng để nâng cao thể chất, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Bóng bàn, cầu lông, đi bộ, chạy bộ vừa phải, bơi nhẹ nhàng là những môn thể thao rất an toàn cho người mắc bệnh tim. Chú ý không chạy đua, không bơi nhanh, lặn để tránh gây áp lực lên hệ tim mạch và huyết áp.
Gợi ý thực đơn dinh dưỡng cho người mắc bệnh tim
Thực đơn tham khảo 1
Bữa sáng: 1 bát bột yến mạch nấu chín, rắc thêm 1 muỗng hạt óc chó băm nhỏ và 1 muỗng bột quế, 1 quả chuối, 1 cốc sữa tách kem.
Bột yến mạch giúp tuần hoàn máu tốt hơn và duy trì cân nặng (Ảnh: Internet)
Bữa trưa: 1 bát súp lơ luộc, 1 cốc sữa chua ít béo với 1 muỗng hạt lanh, 2 muỗng kem phô mai ít béo, 5 cái bánh quy nướng, ½ cốc nước ép đào.
Bữa tối: 100g cá hồi, ½ bát đậu xanh với 1 muỗng hạnh nhân nướng, 2 bát salad trộn, 2 muỗng nước xốt salad ít béo, 1 muỗng hạt hướng dương,1 cốc sữa tách kem, 1 quả cam nhỏ.
Bữa nhẹ xen kẽ: 1 cốc sữa tách kem, 9 cái bánh quy.
Thực đơn tham khảo 2
Bữa sáng: 1 cốc sữa chua ít béo, 1 muỗng quả việt quất, 1 cốc nước cam.
Bữa trưa: 1 chiếc bánh mì ngũ cốc nguyên cám, 1 bát rau diếp xắt nhỏ, ½ bát cà chua thái lát, ¼ bát dưa leo thái lát, 1 muỗng phô mai vụn, 1 muỗng nước xốt kem ít béo, 1 quả kiwi, 1 cốc sữa tách kem.
Bánh mì ngũ cốc nguyên cám chứa hàm lượng lớn chất xơ và vitamin B (Ảnh: Internet)
Bữa tối: 800g thịt gà xào với 1 bát cà tím và húng quế, 1 bát gạo lứt với 1 muỗng quả mơ khô, 1 bát súp lơ xanh hấp.
Bữa nhẹ xen kẽ: 2 muỗng hỗn hợp các loại hạt không ướp muối, 1 cốc sữa chua không béo.
Qua các gợi ý về thực đơn dinh dưỡng cho người bệnh tim, hy vọng bạn đã tìm được những thông tin quan trọng và cần thiết trong quá trình điều trị bệnh tim mạch. Hãy ghé Nghề Bếp Á Âu thường xuyên hơn để đọc thêm nhiều bài viết bổ ích nhé.
Ý kiến của bạn