Bánh khúc cây với vẻ ngoài đúng như tên gọi của nó, lớp vỏ sần sùi như vỏ cây, hòa quyện vào lớp bánh mềm mịn là vị chocolate và lớp kem béo ngậy ngon lành. Trao nhau một miếng bánh khúc cây là trao yêu thương, trao hơi ấm trong mùa đông.
Mỗi dịp Noel về, những căn nhà, từng con phố lại được trang trí thật lung linh để làm dịu bớt không khí của ngày lạnh nhất năm. Hòa trong ánh sáng huyền ảo, ấm áp là những chiếc bánh khúc cây được trang trí công phu, trông thật hấp dẫn. Thế nhưng bạn có biết phía sau những chiếc bánh ấy là một câu chuyện về niềm tin và tình cảm gia đình thiêng liêng, cao quý. Vậy câu chuyện đó như thế nào? Cùng Nghề Bếp Á Âu tìm hiểu nhé.
Vào ngày Giáng Sinh nhiều thế kỷ trước ở Pháp, người ta có phong tục đốt những khúc gỗ của những cây ăn quả như anh đào, táo, ô liu hay những cây lấy gỗ như thông, sồi. Sau khi dự lễ ở nhà thờ về thì các thành viên trong gia đình sẽ cùng nhau quây quần bên đống lửa nhảy múa, ca hát và thưởng thức những món ăn ngon.
Người Pháp có một niềm tin mãnh liệt với những khúc gỗ. Chúng thường được đặt trên giá đỡ của lò sưởi, nơi mang lại sự ấm áp và thoải mái cho không gian sống. Khi năm mới đến, những khúc gỗ còn sót lại trong năm cũ sẽ thể hiện vòng tuần hoàn, luân chuyển không ngừng nghỉ của thời gian. Còn hình ảnh những khúc gỗ đang cháy là nghi lễ của sự ban phước, sự bảo vệ của thần linh đối với cả gia đình.
Tục truyền rằng những khúc gỗ được đốt lên có thể tồn tại qua 3 ngày là một điềm may mắn, giúp ngăn cản những điều không may trong năm mới. Chính vì vây, tùy từng vùng mà khúc gỗ đó được rắc lên chút muối (vùng Poitou – Charentes) hoặc tưới lên một ít rượu (vùng Provence), có vùng người ta còn thêm cả chút nước thánh lấy từ nhà thờ, chút dầu ăn, sữa tươi hay mật ong, họ vừa làm vừa cầu nguyện.
Tro của gỗ sau khi đốt sẽ được rải ra xung quanh nhà, vườn cây hay những cánh đồng với mục đích bảo vệ cây cối khỏi sâu bệnh và mang lại vụ mùa tươi tốt, bội thu. Tro gỗ giúp vẽ nên ranh giới ngăn cả sự xâm nhập của những mụ phù thủy, những con rắn hay những lời nguyền gây nguy hiểm cho gia đình. Ngoài ra, nếu đặt tro gõ vào quan tài, người chết sẽ tìm được hạnh phúc ở thế giới bên kia.
Càng về sau, sử ra đời của những dụng cụ nấu nướng hiện đại khiến việc đốt những khúc gỗ mất dần đi, hình thành nên ý tưởng sáng tạo một món bánh mang hình dáng khúc gỗ để duy trì phong tục này. Hiện nay có rất nhiều ý kiến xung quanh việc ai là người sáng tạo nên món bánh đặc biệt này. Nhiều giả thiết cho rằng những người làm bánh ở Paris đã sáng tạo ra bánh khúc cây trong một máy làm chocolate ở khu Saint Germain des Pre’s vào những năm 1834.
Sự ra đời của bánh khúc cây xuất phát từ niềm vui, niềm hạnh phúc khi gia đình quây quần bên nhau, ước mong cho các thành viên luôn được bình an, luôn có mặt đông đủ trong ngày sum họp. Những chiếc bánh khúc cũng dần thay đổi theo xu hướng hiện đại và phụ thuộc vào khả năng sáng tạo của người làm bánh. Tuy nhiên, những hình ảnh cơ bản như người tuyết, cây thông, ông già Noel, tuần lộc, vòng chuông, cây kẹo hình gậy… vẫn luôn được giữ gìn và dùng để trang trí cho chiếc bánh thêm phần sinh động, hấp dẫn.
Mùa Noel năm nay bạn hãy thử học cách làm bánh khúc cây để dành tặng cho gia đình nhé! Những chiếc bánh được trang trí bắt mắt, kèm theo đó là hương vị thơm ngon sẽ gửi gắm thông điệp tình cảm của bạn đến mọi người đấy.
Ý kiến của bạn