Hẳn ai đã từng đi qua xứ Nghệ thì không thể không nghe người dân ngân nga câu:
“Chè xanh thêm chút gừng cay
Cu Đơ Hà Tĩnh làm say lòng người”…
Nếu như Thái Bình có bánh Cáy, Thanh Hóa có Nem chua, đến Hải Dương được mời món bánh Đậu xanh… thì khi đi qua Hà Tĩnh không thể không dừng chân xách một ít bánh Cu Đơ làm quà.
Theo đường quốc lộ đến địa phận tỉnh Hà Tĩnh đặc biệt từ Nghèn trở vào thành phố, mùi mật mía, đậu phộng, gừng tươi làm bánh Cu Đơ quyện vào nhau thơm nức mũi. Có người khách vừa đặt lưng xuống chiếc ghế nhựa bên cái bàn gỗ cũ kĩ, đã có bát nước chè xanh vàng trong và đĩa bánh Cu Đơ được cắt miếng đưa ra từ lúc nào. Cùng Trường Dạy Nghề Nấu Ăn Chuyên Nghiệp – Nghề Bếp Á Âu tìm hiểu chi tiết dưới đây nhé
Ăn một miếng Cu Đơ, nhấp một ngụm nước chè xanh, vị ngọt và chát quyến luyến vào nhau không thôi như rằng nó có thể giữ chân người khách thêm chút nữa khi họ đang nửa muốn đi nửa muốn ở. Có lẽ không khó để nhận ra sự ngập ngừng này, là bởi vì mỗi chất vị trong bánh, trong nước đều chan chứa tình cảm, lý giải cho câu chuyện về sự bao dung, đùm bọc của gia đình, hàng xóm dưới đây:
“Chuyện kể rằng ngày xưa tại vùng quê Hà Tĩnh có cặp vợ chồng nghèo sinh được hai cậu con trai khôi ngô, tuấn tú. Đến tuổi con trai cả lấy vợ, gia đình quá nghèo, không biết lấy gì mời hàng xóm. Nhưng duyên con đã đến bến, phận làm cha mẹ không thể ngồi yên.
Trong lúc rối bời, ông bố đánh liều nghĩ đến mật mía và đậu phộng đều là của nhà làm ra. Ông đem đậu phộng rang giòn rồi đổ vào nồi mật mía đang được khuấy đều tay trên lửa. Bà vợ ăn thử bảo còn thiếu vị gì, liền ra vườn xới ngay khóm gừng lấy củ vào rửa sạch, thái sợi, bỏ chung vào nồi khuấy tiếp.
Hàng xóm nghe mùi thơm tỏa ra từ mái tranh nghèo chạy sang xem. Ai ăn thử cũng gật đầu. Nhưng rồi mỗi người lại lặng lẽ về lấy một nắm gạo trắng đem giã bột, hòa với nước rồi tráng lên thành những miếng bánh tráng nhỏ vừa tay. Họ đem cho ông, bảo dùng cái này lót mật và đậu phộng thay lá chuối.
Đến ngày cưới con trai cả, hàng xóm ăn miếng bánh vừa ngọt vừa cay trong cổ lại có sẵn chè xanh vị chan chát để uống, ai cũng khen: “Miếng chi đây mà lạ, vừa ngọt vừa bùi!”.
Bánh được gọi theo tên người con trai cả của ông là Cu Đơ (Đơ là tên, Cu là danh từ gọi chung cho con trai ở Hà Tĩnh)”.
Câu chuyện dù có nhiều bản truyền miệng, song ý nghĩa về tình yêu thương con cái và tình làng nghĩa xóm ở mảnh đất gió Lào này thì vẫn còn nguyên vẹn như vốn dĩ mỗi sợi mật mía dẻo thơm chỉ ngon khi quyện lấy hạt đậu phộng.
Nhưng dù nguồn gốc của nó thế nào đi nữa, thì Cu Đơ cũng được làm nên từ những thứ bình dị, có sẵn nơi thôn quê kết hợp hài hòa với nhau, chứa chan hương vị thiên nhiên và hơi thở cuộc sống thành một món ăn mộc mạc đậm chất quê hương.
Nếm thử một miếng bánh Cu Đơ, vị ngọt, nồng, cay hòa tan với vị ngọt chát của nước chè xanh, mang đến cảm giác vừa lạ vừa quen, như tấm chân tình của người dân quanh năm gió Lào vậy!
Ý kiến của bạn