Cơm tấm – Món ăn kết hợp Tây Ta đầy thú vị

Cơm tấm chắc chắn là món ăn quá quen thuộc với nhiều người, đặc biệt là người dân Sài Gòn. Những quán cơm tấm mọc lên ở nhiều nơi, từ những quán nhỏ ven đường tới những tiệm sang chảnh, ngày ngày vẫn đông khách từ sáng sớm tới tối khuya đã phần nào thể hiện được sự yêu thích mà người dân dành cho nó. Cùng Trung tâm Dạy Nghề Nấu Ăn Nghề Bếp Á Âu tìm hiểu chi tiết nhé.

cơm tấm

Cơm tấm sườn bì chả – món ăn không thể bỏ qua khi tới Sài Gòn. Ảnh: Nguồn Internet

Lịch sử của món ăn

Theo nhiều câu chuyện kể lại, đặc biệt là theo nhà văn Sơn Nam, cơm tấm ngày xưa là món ăn bình dân dành cho những người lao động nghèo. Hạt gạo tấm ngày xưa được coi là gạo thứ phẩm, giá rẻ và thường được dùng để cho gà, heo ăn. Do cuộc sống khó khăn, có năm mất mùa không có gạo để ăn nên người dân đã nghĩ tới việc dùng gạo tấm để nấu thành cơm ăn, vẫn no bụng mà giá thành lại rẻ. Do cơm tấm nở ít, nên khi ăn sẽ no lâu, điều vô cùng thích hợp với người dân lúc bấy giờ.

Món cơm tấm sau đó bắt đầu được phổ biến khắp các miền lục tỉnh và được dùng làm bữa sáng. Vào thời đấy, Sài Gòn nhộn nhịp nhiều người từ nhiều nước trên thế giới, để có thể buôn bán được món ăn này, người bán đã nâng cấp món ăn này lên cho hiện đại và phù hợp với thực khách như các công chức, lính Pháp, người Hoa, người Ấn,…họ dọn cơm lên đĩa, ăn bằng dĩa muỗng chứ không dùng đũa chén như truyền thống. Theo thời gian, cách trình bày và ăn cơm tấm đã trở nên quen thuộc với mọi người, hiện nay, nó trở thành một một món ăn không thể thiếu của Sài Gòn.

Tìm hiểu về món cơm tấm sườn bì chả

Cơm tấm được ví là món ăn mà bất cứ ai đã tới Sài Gòn mà không nếm thử là vô cùng thiếu sót. Cơm tấm đã trở thành một biểu tượng mang tính huyền thoại và là sự giao thoa văn hóa giữa ẩm thực đông với tây: ăn cơm bằng dĩa, muỗng nĩa theo kiểu Tây, thức ăn đi kèm là thịt nướng phong cách Pháp, chả trứng của người Hoa, bì thính của người Bắc, nước mắm chua ngọt của người Sài Gòn. Sự kết hợp vô cùng kì diệu này đã tạo nên một món ăn có một không hai.

Cơm tấm thường nấu bằng cách hấp chín chứ không phải dùng nồi nấu, hạt cơm sẽ chín đều, nước hấp cơm có nơi thêm vào lá dứa để cơm có hương thơm dịu hấp dẫn. Cơm múc lên đĩa, xếp thịt sườn được nướng chín lên trên, thêm chả trứng, bì, cuối cùng là mỡ hành. Khi ăn dùng nĩa và muỗng, rưới nước mắm chua ngọt lên trên và thưởng thức.

thịt nướng

Sườn nướng là yếu tố tạo nên sự khác biệt và hút khách của từng quán cơm tấm. Ảnh: Nguồn Internet

Đặc biệt, giữa các quán cơm có nhiều sự khác biệt dẫn tới việc đông hay ít khách. Đầu tiên là sườn nướng. Mỗi quán sẽ có công thức ướp thịt của riêng mình. Một quán ăn mà sườn được ướp ngon, thịt nướng mềm thấm vị và thơm lừng chắc chắn sẽ thu hút nhiều thực khách. Nhiều quán bán thịt sườn ngon có thể bán tới vài chục kg sườn nướng một ngày. Điều thứ hai khiến quán cơm hấp dẫn người ăn chính là nước chấm, sự pha trộn nước mắm của mỗi quán lại mỗi khác, có quán nước mắm đậm vị và ngọt ngào, có quán lại pha nước mắm loãng. Một quán bán cơm tấm ngon được nhiều người yêu thích là khi sườn ngon và nước mắm chấm đậm đà.

Sự phát triển của món cơm tấm hiện đại

Hiện nay, cơm tấm không là Sườn – Bì – Chả như trước mà nhiều nơi, người ta thêm vào món ăn kèm mới như: nem nướng, thịt xá xíu, trứng ốp la, chả giò… Ngày xưa cơm tấm được cho là món ăn bình dân vì giá rẻ mà vẫn ngon và no bụng nhưng ngày nay, cơm tấm không chỉ được bán ở các quán ăn lề đường mà được nâng cấp sang chảnh hơn và được phục vụ trong những tiệm, nhà hàng cao cấp, giá một đĩa cơm sườn có thể dao động từ 35 – 60 ngàn/đĩa.

Có nhiều người nắm bắt được xu hướng thưởng thức ẩm thực trong máy lạnh, sang trọng và lịch sự của người dân Sài Thành nên những chuỗi quán cơm cao cấp thay nhau ra đời, nhận được sự đón nhận từ nhiều thực khách. Trong tương lai, việc thưởng thức cơm sườn bì chả trong không gian sang trọng ngày càng được lựa chọn góp phần nâng cấp món ăn bình dân này lên một tầng cao mới.

Tuy nhiên, những quán ăn ven đường vẫn không giảm đi sức hút của riêng nó khi vẫn tấp nập khách ra vào. Món ăn đặc trưng của Sài Gòn vẫn mãi ghi đậm trong tâm trí người dân nơi đây và dù có đi tới nơi nào cũng không thôi nhớ.

Mời bạn đánh giá bài viết để chúng tôi phục vụ bạn tốt hơn!

Điểm: 4.24 (13 bình chọn)

Tác giả: Nata Makiro

Từ nhỏ, tôi thường vào phụ mỗi khi Mẹ nấu ăn. Tôi thích những món ăn mà Mẹ tôi nấu, vì trong đó có tuổi thơ, có tình yêu thương mà Mẹ dành cho tôi. Lớn lên tôi mang cái tâm để đi theo Nghề Bếp.

Bài viết liên quan

Ý kiến của bạn