Mù tạt là một loại gia vị quan trọng trong ẩm thực Nhật Bản. Tuy quen thuộc nhưng bạn đã biết nguồn gốc thực sự của mù tạt là gì và mù tạt có tác dụng như thế nào với sức khỏe con người? Hãy cùng Nghề Bếp Á Âu tìm hiểu những điều thú vị xoay quanh mù tạt qua bài viết sau đây.
Mù tạt là loại gia vị cay chứa nhiều lợi ích sức khỏe (Ảnh: Internet)
Mù tạt là gì?
Mù tạt được phiên âm từ tiếng Pháp là Moutard hay tiếng Anh Mustard. Đây là tên gọi chung chỉ một số loại thực vật thuộc chi Brassica và chi Sinapis. Các hạt của loại thực vật này được đem nghiền nhỏ rồi trộn với nước, giấm, rượu hoặc các chất lỏng khác để tạo thành bột nhão và được sử dụng như một loại gia vị cay. Hạt của chúng cũng được sản xuất thành dầu mù tạt và lá non có thể ăn như một loại rau xanh.
Những loại mù tạt phổ biến
Mù tạt vàng
Mù tạt vàng phổ biến nhất trong các loại mù tạt. Mù tạt vàng có màu vàng nghệ hoặc vàng mật ong, vị nồng nhẹ ngả sang chua, được làm từ hạt của các loài thực vật có họ hàng với cải dầu Brassica napus thuộc chi Brassica. Đây là loại gia vị góp phần làm tăng mùi vị cho các món thịt nướng, xúc xích nướng, bít tết, salad, hamburger, bánh mì sandwich… đồng thời giúp khử mùi khó chịu của các món ăn nặng mùi như cừu, dê, thịt thú rừng…
Mù tạt vàng có màu vàng nghệ hoặc vàng mật ong (Ảnh: Internet)
Mù tạt nâu
Mù tạt nâu hay còn gọi là mù tạt Ấn Độ, được làm từ loài cải Juncea (Brassica juncea) có nguồn gốc từ chân dãy núi Himalaya, là hạt có cùng cỡ hạt với mù tạt đen, mùi hăng ít hơn và lớp vỏ cũng có nhiều sắc độ khác nhau. Mù tạt nâu có vị nồng đậm gần giống mù tạt xanh, thường được dùng để làm trộn salad hoặc làm nước xốt ướp gia vị, khử mùi tanh của cá và các loại hải sản.
Mù tạt trắng
Mù tạt trắng được chiết xuất từ cây cải Hirta (Sinapis hirta) mọc hoang dại tại Bắc Phi, Trung Đông và khu vực ven Địa Trung Hải của châu Âu. Mù tạt trắng có hạt trắng hình tròn, có vỏ cứng màu be hoặc vàng nhạt. Khi sử dụng, người ta bóc đi lớp vỏ này, lấy phần nhân màu trắng bên trong, nghiền trộn cùng với dầu và giấm được dùng nhiều trong các món trộn.
Mù tạt xanh
Mù tạt xanh của Nhật Bản có tên gọi là Wasabi, được làm từ rễ của cây Wasabi thuộc họ cải (Brassica). Có 2 dạng là dạng bột và dạng kem, thường có vị cay nồng cực mạnh nên thích hợp dùng cho các món hải sản ăn sống như sushi, sashimi… Hương vị cay nồng giúp khử đi mù tanh và đồng thời kích thích vị giác.
Mù tạt xanh còn có tên gọi là wasabi, phổ biến trong ẩm thực Nhật Bản (Ảnh: Internet)
Công dụng của mù tạt
Hạt mù tạt chứa nhiều axit béo omega – 3, canxi, chất xơ, sắt, mangan, magiê, nicain, protein, selen, kẽm và phốt pho, giúp tăng cường hệ miễn dịch. Hàm lượng selenium và magiê cao có trong mù tạt còn có tác dụng làm giảm bệnh hen suyễn, viêm phế quản, đồng thời giảm các triệu chứng của bệnh viêm khớp, chống nấm, chống viêm nhiễm và có tác dụng khử trùng rất tốt.
Các chất carotenes, zeaxanthins và lutein, vitamin A, C, K trong mù tạt giúp chống oxy hóa và làm chậm quá trình lão hóa. Ăn mù tạt giúp tăng cường trao đổi chất, kích thích hệ tiêu hoá và giảm các bệnh về dạ dày.
Mù tạt còn có công dụng giảm cholesterol, phòng chống xơ vữa động mạch, điều hòa lưu thông máu nhờ chứa hàm lượng niacin và vitamin B3.
Các món ăn kết hợp với mù tạt
Hàu sống chấm mù tạt
Nếu ăn được hải sản tươi, hương vị của món hàu sống chấm mù tạt sẽ khiến bạn thích mê. Thịt hàu ngọt lịm, dai mềm, mát lạnh tự nhiên hòa quyện với vị cay nồng của ớt và mù tạt khiến cho món ăn có hương vị rất hấp dẫn.
Hàu tươi sống ăn với mù tạt cay nồng rất ngon (Ảnh: Internet)
Nguyên liệu
- 1kg hàu sữa tươi
- ½ quả chanh
- Gia vị: mù tạt, nước tương
- Rau răm, hành lá
Cách làm
Sơ chế hàu
Ngâm hàu trong nước khoảng 30 phút rồi dùng bàn chải cọ rửa sạch bùn đất bám trên vỏ hàu. Dùng dao nhọn tách vỏ hàu ra làm đôi. Lấy hàu ra khỏi vỏ, rửa sạch ruột hàu và đặt hàu trở lại nửa miếng vỏ.
Rau răm, hành lá nhặt bỏ lá úa, rửa sạch rồi thái khúc.
Làm lạnh hàu
Cho hàu vào tủ lạnh trong khoảng 30 phút để hàu lạnh đều từ trong ra ngoài.
Hoàn thành món ăn
Sau khi hàu đã đủ lạnh, bạn cho hàu ra đĩa, thêm rau răm, hành lá lên trên. Khi ăn cho 1 muỗng mù tạt vào bát nước tương, khấy đều, vắt thêm ½ quả chanh. Nhúng đều hàu vào mù tạt, đợi khoảng 1 phút cho tái là có thể dùng.
Thịt bò nướng mù tạt
Vị cay nồng của mù tạt hòa quyện với vị béo ngậy của thịt bò tạo nên một sự kết hợp tuyệt vời. Món thịt bò nướng mù tạt thêm phần hấp dẫn, thơm ngon, có mùi vị rất riêng và không gây ngấy.
Thịt bò nướng mù tạt đậm đà gia vị, có hương thơm hấp dẫn (Ảnh: Internet)
Nguyên liệu làm món thịt bò nướng mù tạt
- 300g thịt bò phi lê
- 1 quả bắp
- 8 quả đậu bắp
- 5 quả cà chua bi
- Hành tím, tỏi
- Gia vị: mù tạt xanh, tiêu, hạt nêm, xốt mayonnaise
Cách làm thịt bò nướng mù tạt
Sơ chế nguyên liệu
Hành tím, tỏi bóc vỏ, rửa sạch, băm nhuyễn.
Thịt bò cắt khối vuông dày khoảng 2cm, ướp với 1 muỗng hành tím băm, 1 muỗng hạt nêm, 1 muỗng xốt mayonnaise, 1 muỗng mù tạt xanh và ½ muỗng tiêu. Để thịt bò thấm gia vị trong khoảng 15 phút.
Bắp luộc chín, cắt khúc.
Đậu bắp, cà chua bi rửa sạch, cắt đôi.
Trụng các que xiên thịt qua nước sôi để khử trùng rồi dùng khăn lau hoặc để cho ráo nước.
Làm nước xốt chấm
Nước xốt chấm thịt bò nướng mù tạt được làm theo tỉ lệ sau: trộn đều 2 muỗng xốt mayonnaise, 1 muỗng mù tạt với 1 muỗng tỏi băm.
Nướng thịt bò
Tiến hành xiên thịt bò vào que theo thứ tự: 1 miếng bắp, 1 miếng thịt bò, 1 miếng cà chua và lặp lại cho đến khi hết nguyên liệu.
Bạn phết dầu ăn lên các que thịt rồi đem nướng trên bếp than. Hoặc đun nóng dầu ăn trong chảo, cho xiên thịt bò vào chiên áp chảo đến khi chín đều. Sau khi thịt chín mềm, xếp xiên thịt bò nướng mù tạt ra đĩa, khi ăn chấm với xốt trộn. Xốt kết hợp với mù tạt xanh tạo nên vị cay nhẹ rất ngon.
Sushi cá hồi chấm mù tạt
Sushi cá hồi chấm kèm mù tạt và xì dầu là món ăn truyền thống của Nhật Bản, rất được các tín đồ ẩm thực yêu thích bởi hương vị tươi ngon của món ăn.
Sushi cá hồi cơm nóng chấm kèm mù tạt rất ngon (Ảnh: Internet)
Nguyên liệu làm sushi cá hồi
- 400g cá hồi tươi
- 2 quả bơ sáp
- Gạo Nhật hoặc gạo tẻ của Việt Nam (chọn loại gạo dẻo)
- Lá rong biển khô
- Pho mát cứng (có thể thay bằng đậu phụ nếu không quen ăn pho mát)
- Gia vị: đường, muối tinh, dấm Nhật, xì dầu, mù tạt, xốt mayonaise
Cách làm sushi cá hồi
Nấu cơm
Vo sạch gạo rồi cho vào nồi nấu cơm. Sau khi cơm chín, để về chế độ ấm khoảng 10 phút rồi lấy cơm ra trộn cùng với 4 muỗng dấm Nhật, 2 muỗng muối tinh, 3 muỗng đường trắng, một chút dầu vừng rồi để nguội.
Làm sushi cá hồi
Cá hồi tươi rửa sạch, thái lát mỏng.
Bơ sáp, pho mát thái từng miếng mỏng dài vừa ăn.
Trải đều cơm dẻo lên trên lá rong biển, lần lượt xếp nguyên liệu dọc theo một đầu rồi cuốn tròn lại. Dùng dao cắt sushi thành những miếng tròn nhỏ vừa ăn, xếp ra đĩa, khi ăn chấm kèm với mù tạt, xì dầu và sốt mayonaise.
Một số lưu ý
Mù tạt là gia vị ngon giúp tăng hương vị cho món ăn, tuy nhiên người mắc bệnh thận không nên ăn mù tạt vì một số chất trong gia vị cay này sẽ gây tổn thương tế bào thận, làm suy giảm các chức năng của thận.
Không nên ăn quá nhiều mù tạt để không gây ảnh hưởng hệ tiêu hóan (Ảnh: Internet)
Hầu hết các loại mù tạt đều dễ gây nồng và sặc, do đó khi ăn bạn nên pha loãng, chấm ở mức vừa phải, ăn từng chút một để cảm nhận được độ ngon của mù tạt và tránh hiện tượng gây nồng do mù tạt gây ra. Một cách khác để ăn mù tạt không bị nồng là khi ăn bạn mở miệng ra hoặc hơi ngẩng đầu lên để mùi nồng không xốc lên mũi.
Trong một bữa ăn sử dụng mù tạt làm nước chấm, bạn chỉ nên ăn vừa đủ. Nếu sử dụng quá nhiều mù tạt cùng một lúc, ngoài việc bị cay sặc thì chúng cũng sẽ khiến lưỡi bạn bị bỏng rát và đôi khi làm mất đi vị giác và gây ảnh hưởng đến đệ tiêu hóa của bạn.
Qua bài viết này mong rằng sẽ giúp bạn hiểu thêm về mù tạt là gì, công dụng của mù tạt cũng như cách sử dụng mù tạt hợp lý. Hãy theo dõi Nghề Bếp Á Âu thường xuyên để đón đọc thêm nhiều bài viết bổ ích về kiến thức ẩm thực bạn nhé!
Ý kiến của bạn