Tokbokki Kiểu Hàn

Trong ẩm thực Hàn, Tokbokki được xếp vào 5 món ăn cay nhất, nhưng nó lại có sức hấp dẫn kỳ lạ không chỉ với người dân Hàn Quốc mà còn chinh phục các thực khách bốn phương. Những tín đồ ẩm thực Hàn chắc hẳn đã không còn quá xa lạ với Tokbokki, nhưng với những ai chưa biết nhiều về các món ăn Hàn Quốc chắc hẳn vẫn thắc mắc Tokbokki là gì mà lại có sức hấp dẫn đến vậy?

Bài viết này của Nghề Bếp Á Âu sẽ giúp bạn trả lời thắc mắc đó cũng như hướng dẫn cách làm Tokbokki đúng kiểu Hàn đơn giản tại nhà.

Tokbokki là gì?

Tokbokki (Tteokbokki) là món bánh gạo truyền thống của Hàn Quốc, có nguồn gốc từ món một món ăn cung đình làm từ bánh dày thái mỏng, thịt, trứng và gia vị rồi nướng lên tên là tteok jjim.

Tokbokki hiện tại được chế biến từ món bánh gạo mang tên garaetteok chế biến cùng nhiều thành phần khác như: thịt bò, hành, nấm, cà rốt, hành tây, chả cá… và tương ớt cay, vì vậy tokbokki thường rất cay và ngon hơn khi ăn nóng rất thích hợp với thời tiết giá lạnh của Hàn Quốc.

bánh gạoNhững chiếc bánh gạo được làm từ bột gạo trắng muốt (Ảnh: Internet)

Được làm từ bột gạo hòa với nước và một số gia vị truyền thống, người đầu bếp sẽ nặn Tokbokki thành những thanh bột dài, sau đó cắt nhỏ hoặc thái lát mỏng. Rất nhiều công thức chế biến được tạo nên từ miếng bánh này, nên bạn sẽ không bao giờ thấy ngán dù đã thử qua vài chục món bánh gạo khác nhau. Những miếng bánh gạo nhỏ xinh là món ăn đường phố được giới trẻ ngày nay rất ưa chuộng.

Hướng dẫn cách làm tokbokki kiểu Hàn

Nguyên liệu làm bánh gạo gồm:

  • 350gr bột gạo
  • 380ml nước
  • 5ml dầu mè (hoặc dầu ăn)
  • 1 muỗng cafe muối

hướng dẫn làm tokbokkiTokbokki là món ăn đường phố rất được giới trẻ ưa chuộng (Ảnh: Internet)

Nguyên liệu làm Tokbokki:

  • 500gr bánh gạo
  • 4 chén nước dùng gà
  • 4 miếng bánh cá Hàn Quốc cắt thành miếng vuông vừa ăn
  • 1 muỗng tương ớt Hàn Quốc Gochujang
  • 1/4 cái bắp cải rửa sạch, xắt sợi nhỏ
  • 1 cây hành boa rô rửa sạch, xắt lát mỏng
  • 1 củ tỏi băm nhỏ
  • 1 muỗng cafe ớt bột
  • 1 muỗng mè rang
  • Dầu ăn, nước tương, đường

Cách làm Tokbokki đúng kiểu Hàn

Bước 1: Làm bánh gạo

Đầu tiên, bạn cho bột vào thau, thêm một ít muối và 380ml nước vào trộn đều. Dùng tay nhào thật kỹ cho bột dẻo lại.

Sau đó, cho bột vào xửng hấp trong khoảng 20 phút là bột chín. Trong khi hấp, bạn nên lót một lớp vải trên nắp xửng để để tránh nước rơi vào bột.

Lấy bột chín ra và tiếp tục nhào kỹ thêm 10 – 15 phút. Xoa 1 lớp dầu ăn mỏng lên tay rồi lăn bột thành một thanh tròn dài. Lấy dao cắt bột thành khúc dài bằng 2 đốt ngón tay hoặc cắt lát mỏng.

hướng dẫn làm tokbokkiTokbokki có vị cay, nóng thích hợp dùng trong thời tiết giá lạnh (Ảnh: Internet)

Bước 2: Làm Tokbokki

Cho bánh gạo vừa mới làm ngâm vào thau nước để nguội khoảng 1 tiếng, vớt ra, để ráo. Cách làm này giúp bánh gạo thêm chắc, không bị bở, khi ăn sẽ thấy bánh dai và dẻo.

Cho vào chén 1 muỗng ớt Gochujang, 1 muỗng cafe ớt bột, 1 muỗng nước tương, 1 muỗng cafe đường vá 1 muỗng nước, tất cả trộn đều, để riêng.

Bật bếp để lửa to, cho vào nồi 4 chén nước dùng gà vào đun sôi. Khi nước sôi cho tất cả hỗn hợp ớt Gochujang đã pha chế ở trên vào, khuấy đều cho tan. Nếu nước nổi bọt, vớt hết bọt cho đến khi nước trong.

Tiếp theo cho bánh cá vào nấu khoảng 2 – 3 phút rồi cho tiếp bánh gạo vào nấu. Khi nước sôi bùng lên lần nữa thì khuấy nhẹ để bánh gạo không bị dính vào nồi. Khuấy đều tay trong 4 phút, khi nước cạn còn khoảng 1/3 nồi là được. Cho tiếp bắp cải vào, tiếp tục khuấy đều và nhẹ tay đến khi nước dùng sánh đặc, bám quanh thân bánh gạo là có thể tắt bếp.

Cho bánh gạo cay Tokbokki ra đĩa, rắc thêm mè rang và một vài lát hành boa rô lên bề mặt bánh gạo. Dùng khi còn nóng.

Hi vọng bài viết mà chúng tôi chia sẻ này đã giúp các bạn biết Tokbokki là gì cũng như cách làm Tokbokki kiểu Hàn đơn giản tại nhà. Món bánh gạo cay hấp dẫn đúng kiểu Hàn sẽ khiến mọi người trong nhà phải ấn tượng với tài nấu bếp “tuyệt đỉnh” của bạn đấy!

Mời bạn đánh giá bài viết để chúng tôi phục vụ bạn tốt hơn!

Điểm: 4.67 (9 bình chọn)

Tác giả: Nata Makiro

Từ nhỏ, tôi thường vào phụ mỗi khi Mẹ nấu ăn. Tôi thích những món ăn mà Mẹ tôi nấu, vì trong đó có tuổi thơ, có tình yêu thương mà Mẹ dành cho tôi. Lớn lên tôi mang cái tâm để đi theo Nghề Bếp.

Bài viết liên quan

Ý kiến của bạn