Để có được bí quyết cách nấu mì vịt tiềm theo công thức gia truyền, đậm hương vị Trung Hoa không phải là điều đơn giản. Đặc biệt, những ai đang tìm một món ăn bổ dưỡng để thưởng thức và bồi bổ sức khỏe, lại càng phải chú ý đến cách xử lý thịt vịt sao cho không còn mùi hôi. Với công thức mà Nghề Bếp Á Âu (NBAAu) sắp giới thiệu dưới đây, đảm bảo bạn sẽ có được món mì thơm ngon, đậm đà, càng ăn càng ghiền.
Mì vịt tiềm là món ăn của người Hoa nhưng không còn xa lạ với thực khách Việt. Ảnh: Internet
Mì vịt tiềm là một trong những món ăn của người Hoa di cư đến Sài Gòn và trở thành một phần của nền văn hóa ẩm thực nơi đây. Món ăn được lòng nhiều thực khách bởi vị ngọt thanh của nước dùng, thịt vịt mềm thơm, ăn kèm đu đủ ngâm chua ngọt không hề ngán, lại rất tốt cho sức khỏe. Với nhiều người, mì vịt tiềm được chuộng ăn bất cứ lúc nào, cả mùa nắng lẫn mùa mưa.
Nguyên liệu
- Đùi vịt góc tư: 1 kg
- Xương heo: 300g
- Cải thìa: 300g
- Nấm đông cô (nấm hương): 20g
- Ngò rí: 50g
- Hoa hồi: 5 cái
- Quế: 5g
- Thảo quả: 1g
- Trần bì: 2g
- Thục địa: 15g
- Gừng: 30g
- Riềng: 30g
- Sả: 50g
- Hành khô: 10g
- Tỏi băm: 1 muỗng cà phê
- Rượu trắng: 200ml
- Đường phèn: 50g
- Mì trứng: 300 – 500g
- Gia vị: hắc xì dầu, nước tương, dầu mè, hạt nêm, đường, muối, tiêu xay
Cách thực hiện
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Để khử mùi hôi của vịt, trước hết bạn nhặt sạch lông vịt rồi rửa qua với nước. Sau đó, ngâm thịt vịt trong nước có pha rượu trắng và gừng đập dập khoảng 30 phút rồi rửa sạch, để ráo. Cách làm này sẽ giúp thịt vịt thơm ngon hơn.
Dùng rượu và gừng để khử mùi hôi của thịt vịt. Ảnh: Internet
Hành khô nướng xém vàng rồi bóc lớp vỏ ngoài.
Xương heo rửa sạch, chần sơ trong nước sôi khoảng 1 phút cho ra hết cặn bẩn rồi xả lại với nước lạnh.
Nấm đông cô ngâm với nước ấm cho nở mềm, vớt ra cắt bỏ chân nấm rồi rửa sạch bụi bẩn.
Cải thìa và ngò rí cắt bỏ gốc và lá vàng úa, rồi rửa sạch, để ráo.
Gừng và riềng cạo vỏ, rửa sạch, cắt lát. Sả bỏ gốc, bóc lớp vỏ ngoài, rửa sạch, cắt khúc 6 – 7cm rồi chẻ đôi.
Hoa hồi, quế, thảo quả, trần bì, thục địa rửa sạch. Riêng trần bì, bạn dùng dao gọt bớt phần cùi trắng bên trong để nước dùng không bị đắng. Thảo quả đập dập. Sau đó, cho tất cả các vị thuốc Bắc này vào chảo rang thơm.
Rang các loại thảo mộc cho dậy vị
Bước 2: Ướp và chiên vịt
Ướp thịt vịt với 1 muỗng cà phê tỏi băm, 1 muỗng cà phê hạt nêm, 1 muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê tiêu, 1 muỗng canh hắc xì dầu, 1 muỗng canh dầu mè, 1 muỗng canh nước tương.
Dùng tay xoa bóp vịt cho thấm đều gia vị, ướp khoảng 10 – 15 phút.
Bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn vào sao cho lượng dầu ngập nửa đùi vịt. Dầu nóng bạn cho gừng, riềng và sả vào chiên sơ cho xém vàng thì vớt ra để riêng. Tiếp đến, cho thịt vịt đã ướp vào chiên đến khi vàng đều các mặt.
Chiên vịt cho vàng đều. Ảnh: Internet
Bước 3: Nấu nước dùng
Xương heo sau khi sơ chế cho vào nồi cùng với 2 lít nước và hành khô đã nướng, hầm xương trong 30 phút để lấy nước dùng.
Tiếp đến, thêm vào nồi 1 muỗng canh nước tương, 1 muỗng canh muối, 50g đường phèn, 1 muỗng canh hạt nêm, 1 muỗng canh hắc xì dầu cùng với hoa hồi, quế, thảo quả, trần bì, thục địa. Nấu nước dùng sôi, để lửa nhỏ 15 phút rồi vớt các loại thảo mộc này ra.
Dùng hành khô nướng để tạo nên hương thơm đặc trưng cho nước dùng
Bước 4: Hầm thịt vịt
Bạn cho thịt vịt đã chiên vàng và nấm đông cô vào nồi nước dùng. Đun cho sôi lại rồi hạ lửa nhỏ liu riu, nấu thêm khoảng 1 tiếng nữa cho vịt mềm nhừ. Nêm nếm lại gia vị cho vừa miệng.
Sau khi nấu đủ thời gian, bạn tắt bếp là đã hoàn thành xong phần nước dùng cho món mì vịt tiềm đầy bổ dưỡng.
Nêm nếm nước dùng cho vừa miệng. Ảnh: Internet
Bước 5: Trình bày và thưởng thức
Bắc một nồi nước sôi lên bếp, cho rau cải thìa vào chần trong 2 phút rồi vớt ra, thả vào tô nước lạnh để rau được xanh. Tiếp tục cho mì trứng vào luộc vừa chín tới, thêm 2 muỗng cà phê dầu ăn vào nồi nước giúp mì không bị dính lại với nhau.
Luộc mì vừa chín tới
Xếp mì vào tô, thêm cải thìa, nấm hương rồi chan nước dùng nóng vào, cuối c ùng cho miếng đùi vịt lên trên, rắc thêm ngò rí cắt nhuyễn, chút tiêu xay để tăng thêm hương vị và thưởng thức.
Vào buổi chiều mát trời, được thưởng thức tô mì vịt tiềm nóng hổi thì còn gì thú bằng. Ảnh: Internet
Yêu cầu thành phẩm
Thịt vịt mềm, thấm vị đậm đà, phần da có màu nâu vàng đẹp mắt, ăn vừa giòn vừa dẻo.
Nước dùng đậm vị nhưng không nồng gắt mà thơm dịu và dậy mùi thuốc Bắc.
Sợi mì vẫn giữ được dộ dai mềm. Nấm đông cô thơm lừng hấp dẫn.
Mẹo và lưu ý
Trong quá trình hầm xương, bạn không nên đậy nắp vung và thường xuyên vớt bọt để nước dùng được trong.
Ngoài xương heo, bạn có thể dùng xương gà để hầm lấy nước dùng cũng được. Nếu muốn dùng mì vịt tiềm cho bữa sáng, bạn nên hầm xương vào tối hôm trước.
Nếu có thời gian, bạn nên ướp thịt vịt qua đêm cho thấm vị.
Thục địa giúp cho nước dùng có màu đen, nên bạn có thể thêm hay bớt nguyên liệu này tùy thích.
Thay vì dùng loại mì trứng thông thường, bạn hãy mua loại mì tươi Trung Quốc món ăn sẽ đúng hương vị truyền thống hơn.
Mì tươi Trung Quốc. Ảnh: Internet
Như vậy, bạn hoàn thành cách nấu mì vịt tiềm chuẩn vị người Hoa rồi đấy. Món ăn tuy có hơi cầu kỳ về nguyên liệu và phương pháp chế biến, nhưng bù lại bạn sẽ được thưởng thức món mì hấp dẫn, không hề uổng công sức bỏ ra đâu. Hãy áp dụng công thức trên đây và trổ tài nội trợ với món mì vịt tiềm để chiêu đãi cả nhà một món ăn thơm ngon, bổ dưỡng. Tiếp theo, mời các bạn tìm hiểu cách nấu cà ri dê tại website của chúng tôi ngay nhé.
Nếu có ý định kinh doanh món ăn này, đừng bỏ qua các khóa học nấu món Hoa hoặc học riêng một buổi dạy yêu cầu về món mì vịt tiềm để có được bí quyết trong công thức của các đầu bếp Hoa giàu kinh nghiệm. Điền vào form bên dưới hoặc gọi đến tổng đài miễn phí 1800 6148 để nhận thông tin chi tiết về chương trình học tại NBAAu.
Ý kiến của bạn