Nói về ẩm thực miền Tây là phải nhắc đến các món ăn thơm ngon hấp dẫn từ bông điên điển. Đây là loại cây dân dã, mọc dại nhưng lại góp mặt trong vô vàn món ngon đậm chất vùng quê sông nước. Nếu có cơ hội, bạn đừng quên thưởng thức những món ăn này nhé! Cùng NGHEBEP.COM tìm hiểu chi tiết nhé
Bông điên điển góp mặt trong vô vàn món ăn của ẩm thực miền Tây. Ảnh: Internet
Đặc điểm của cây điên điển
Điên điển là loài cây bụi cao từ 1 – 4m hoặc hơn, có thân tròn bóng, màu xanh sọc tím, phân nhánh nhiều, mang những lá kép lông chim với 30 – 40 lá chét. Hoa vàng mọc thành chùm, mỗi chùm có 8 – 10 hoa to.
Điên điển thường gặp ở các đầm lầy, ruộng nước, rải rác từ các tỉnh phía Bắc như Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình… đến các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Được trồng nhiều ở các tỉnh phía Nam và vùng Đồng Tháp Mười. Người ta trồng điên điển để lấy phần thân phình to và xốp trắng ngập dưới nước để làm mũ và làm nút chai, lấy thân cây làm củi đốt, cành lá làm phân xanh, lá cây làm thuốc. Các bộ phận dùng làm thực phẩm là: lá, bông và hạt.
Những món ăn ngon từ bông điên điển
Canh chua bông điên điển
Canh chua miền Tây rất phong phú với nhiều nguyên liệu kết hợp nào là: rau muống, ngó sen, bạc hà, măng chua… Nhưng chiếm được nhiều sự ưu ái nhất có lẽ là bông điên điển. Với mùi thơm nhẹ đan xen vị bùi bùi ngọt ngọt, loại thực vật này sẽ khiến người ta mê mẩn ngay từ lần thưởng thức đầu tiên.
Canh chua bông điên điển thách thức mọi thực khách. Ảnh: Internet
Món canh chua sẽ bung tỏa trọn vẹn hương vị khi bông điên điển “kết đôi” cùng cá lóc hoặc cá linh. Thịt cá ngọt, thêm chút bùi bùi góp vị từ bông điên điển, có thể nói hai nguyên liệu này cứ như “một cặp bài trùng” khiến thực khách nhung nhớ hoài. Màu vàng tươi của hoa càng làm cho món ăn đặc sắc hơn bao giờ hết. Canh nong nóng chua ngọt cân bằng ăn cùng với cơm là ngon hết sẩy.
Bông điên điển xào
Với những ai muốn thưởng thức hương vị thanh đạm hơn thì điên điển xào tỏi sẽ là món ngon hấp dẫn mà bạn không nên bỏ qua. Chẳng cầu kì gia vị hay nguyên liệu phụ kèm, điên điển xào mang trong mình chút vị đắng cùng mùi hương lan tỏa lôi cuốn vị giác đến lạ.
Bông điên điển xào có hương vị thanh đạm dễ ăn. Ảnh: Internet
Sau khi ăn, vị ngọt dịu từ bông điên điển sẽ cứ vương vấn ở cổ họng làm người ta chỉ muốn ăn mãi không thôi. Nếu muốn tăng thêm vị ngọt, bạn có thể thêm hẹ và giá đỗ để đĩa rau xào trông hấp dẫn, giòn và mọng nước hơn.
Gỏi bông điên điển
Với vị ngọt và độ giòn tự nhiên, bông điên điển còn được tận dụng để làm các món khai vị thơm ngon hấp dẫn, đặc biệt phải kể đến là món gỏi. Các nguyên liệu thường được dùng để trộn với bông điên điển là giấm, đường hoặc nước me cùng các loại rau củ khác như cà chua, dưa leo, rau thơm… Đĩa gỏi ngon phải đạt được sự cân bằng chua ngọt và giữ được cái hương vị đặc trưng của bông điên điển.
Gỏi bông điên điển có vị chua ngọt cân bằng và hài hòa. Ảnh: Internet
Bên cạnh đó, bạn có thể kết hợp thêm các nguyên liệu khác như tép ram, tôm luộc, thịt ba chỉ… để tăng hương vị, giúp trải nghiệm món ăn của bạn được trọn vẹn hơn. Gắp một đũa gỏi, chấm cùng chén nước mắm tỏi ớt là hết sẩy.
Bông điên điển nhúng lẩu mắm
Một nồi lẩu mắm miền Tây đúng điệu là phải “hằng hà sa số” các nguyên liệu và rau nhúng kèm. Và bông điên điển chính là sự lựa chọn hàng đầu được người dân nơi đây ưu ái bởi sự thơm ngon, bùi bùi, ngọt ngọt mới lạ. Chỉ cần đợi nước lẩu sôi, nhúng điên điển vào là đủ trọn vẹn cho một món ăn đậm chất miền Tây.
Bông điên điển mang đến hương vị đặc sắc hơn cho món lẩu mắm. Ảnh: Internet
Nhờ độ giòn xốp lạ miệng mà món lẩu mắm cũng được đậm đà hấp dẫn hơn. Thêm vào đó, sắc vàng rực rỡ của bông càng điểm tô hơn cho sự đặc sắc của món ăn, vừa mộc mạc lại vừa tinh tế, thách thức mọi thực khách ngay từ cái nhìn đầu tiên. Còn gì bằng khi hít hà cái nóng nồng nàn chan hòa của cá tôm, rau đồng miền sông nước.
Để học thêm nhiều cách chế biến các món ngon từ bông điên điển, bạn có thể điền thông tin vào form đăng ký bên dưới hoặc liên hệ số điện thoại 0236 3953 988 (miễn phí cước gọi) để được tư vấn các khóa học phù hợp nhé!
Ý kiến của bạn