Nhắc đến giới đầu bếp nổi tiếng thế giới thì chắc chắn không thể bỏ qua một tên tuổi đã rất quen thuộc: siêu đầu bếp Gordon Ramsay. Vị đầu bếp này được toàn thế giới biết đến nhờ tài năng ẩm thực và cá tính độc đáo. Không chỉ vậy, ông còn cho thấy lòng nhiệt huyết vô tận với nghề bếp thông qua hàng loạt những giải thưởng, show truyền hình thực tế về nấu ăn được hàng triệu người yêu thích. Hãy cùng Nghebep.com tìm hiểu sâu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của đầu bếp nổi tiếng này nhé.
Gordon Ramsay là ai?
Tên đầy đủ của ông là Gordon James Ramsay, sinh ngày 8 tháng 11 năm 1966, là một đầu bếp nổi tiếng người Scotland, chủ nhà hàng và ngôi sao truyền hình nổi tiếng. Chuỗi nhà hàng do Ramsay sở hữu đã được trao tặng đến 14 ngôi sao Michelin, biểu tượng dành cho những nhà hàng tốt nhất thế giới.
Gordon Ramsay sinh ra tại Renfrewshire, Scotland nhưng lớn lên Warwickshire, Anh từ lúc 5 tuổi. Ramsay là con thứ hai trong gia đình gồm 4 anh chị em. Ông có một chị gái, một em trai và một em gái. Cha Gordon từng làm nhiều nghề tại các thời điểm khác nhau: quản lý hồ bơi, thợ hàn, và người bán hàng… Mẹ của ông, Helen Cosgrove, là một y tá. Tuổi thơ của Ramsay phải trải qua nhiều gian khó và bất ổn vì gia đình ông phải chuyển đi liên tục do cha của ông làm ăn thất bại. Trong một cuộc phỏng vấn, Ramsay đã nhắc đến cha mình như là một người nghiện rượu. Ở tuổi 16, Ramsay chuyển ra khỏi nhà và đến sống trong một căn hộ ở Banbury.
Niềm tự hào của người Scotland
Những chấn thương nghiêm trọng từ năm 12 tuổi đã khiến Gordon Ramsay phải từ bỏ theo đuổi sự nghiệp cầu thủ chuyên nghiệp và cũng trong khoảng thời gian này, niềm hứng thú với nấu nướng lớn dần trong ông. Năm 19 tuổi, ông dành toàn bộ tâm huyết cho việc học hỏi và tích lũy kiến thức về ẩm thực. Vị đầu bếp quyết định vào trường Đại học kỹ thuật Bắc Oxfordshire để học chuyên ngành quản trị khách sạn. Ông ấp ủ ước mơ sở hữu chuỗi nhà hàng nổi tiếng mang thương hiệu cá nhân trong tương lai.
Ramsay đã từng làm việc tại nhiều nhà hàng khác nhau ở Anh vào những năm 1980 cho đến khi gặp được người truyền cảm hứng nghề bếp thực thụ – “bậc thầy” nghề bếp Marco Pierre White tại nhà hàng Harveys (London). Sau khi làm việc tại đây 2 năm, ông sang Paris để học về ẩm thực Pháp với niềm khát khao cháy bỏng vươn xa hơn trên con đường làm bếp. Dự định này bna đầu bị ngăn cản bởi đầu bếp Marco White, thay vào đó, ông khuyến khích Ramsay làm việc cho đầu bếp Albert Roux tại nhà hàng Le Gavroche tại trung tâm London để học hỏi và tích lũy kinh nghiệm.
Một năm sau, chính bếp trưởng Robert Roux đã mời Gordon Ramsay đến làm việc cùng ông tại khu nghỉ dưỡng Hotel Diva trên dãy núi Alps nước Pháp. Tuy nhiên, ba năm làm việc tại đây là một khoảng thời gian khổ luyện và thử thách rất nhiều khiến ông bị căng thẳng cả về thần kinh và thể chất.
Năm 1993, trong chuyến trở về London, Ramsay đã được mời làm bếp trưởng tại nhà hàng La Tante Claire. Sau đó, Marco White một lần nữa đề nghị ông trở thành bếp trưởng nhà hàng Rossmore do một đối tác kinh doanh của White sở hữu. Chỉ sau 14 tháng từ khi Ramsay tie61p1 quản, nhà hàng này đã được đổi tên thành Aubergine và nhận được ngôi sao Michelin đầu tiên. Cũng ngay tại chính nhà hàng này, Ramsay đón nhận tiếp ngôi sao Michelin lần thứ hai.
Vì sự bất đồng quan điểm với chủ sở hữu, sau đó Ramsay quyết định tời khỏi nhà hàng. Vào năm 1998, ông mở nhà hàng đầu tiên do chính mình sở hữu tại Chelsea, Anh mang tên Gordon Ramsay. Năm 2001, ông tiếp tục nhận được ngôi sao Michelin thứ 3 và trở thành người Scotland đầu tiên nhận được giải thưởng cao quý đó.
Những dấu ấn và đóng góp cho ngành ẩm thực
Tính đến thời điểm hiện tại, trên tổng số 15 ngôi sao Michelin, chuỗi nhà hàng của ông được trao tặng đến 14 ngôi sao. Năm 2006, đầu bếp Gordon Ramsay được Hoàng gia Anh phong tước OBE (tước Tiểu Hiệp Sĩ) vào nhằm tôn vinh những cống hiến của ông đem đến cho ngành ẩm thực nước nhà. Cùng với việc làm chủ chuỗi nhà hàng, năm 2009, Gordon Ramsay được tôn vinh là nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất trong ngành công nghiệp lưu trú và ẩm thực của Vương quốc Anh, trở thành ông chủ nhà hàng và khách sạn quyền lực nhất do Tạp chí Caterer and Hotelkeeper bầu chọn.
Bên cạnh sự tài năng, những bài học đắt giá của Gordon Ramsay, ông được biết đến rộng rãi trên toàn thế giới thông qua việc dẫn dắt các chương trình truyền hình thực tế ăn khách về nấu ăn như Hell’s Kitchen, The F Word, Ramsay’s Best Restaurant, Ramsay’s Kitchen Nightmares, Hell’s Kitchen (Mỹ), Kitchen Nightmares và MasterChef. Ông nổi tiếng là một đầu bếp rất nóng nảy, tuy nhiên tính cách này lại được tận dụng rất tốt vào các chương trình truyền hình. Cách quản lý khác người của Ramsay mang đến cảm hứng cho những đầu bếp trẻ, thúc đẩy họ phải nỗ lực hết mình để chinh phục những mục tiêu của mình.
Từ năm 1996, Gordon Ramsay đã viết đến 21 cuốn sách về ẩm thực. Bên cạnh đó, ông cũng đóng góp một chuyên mục về thực phẩm vả thức uống trên tạp chí Times phát hành thứ bảy hàng tuần. Người đầu bếp tài năng này thậm chí còn thử sức trong lĩnh vực phim ảnh và phim tài liệu qua các tác phẩm: Boiling Point (1998), Ramsay – Trouble at the Top, Love’s Kitchen (2011). Ông sở hữu giá trị tài sản cá nhân ước tính lên đến 40 triệu bảng Anh.
Với những nỗ lực, sự đóng góp không ngừng nghỉ cho nền ẩm thực thế giới, đầu bếp Gordon Ramsay được xem là hình mẫu lý tưởng cho các đầu bếp trẻ noi theo và học hỏi để theo đuổi đam mê với nghề bếp.
Ý kiến của bạn