Một căn nhà không thể thiếu góc bếp, góc bếp tuy nhỏ bé những lại là nơi thắp nên những ngon lửa ấm cho cả gia đình. Niềm vui và những điều hạnh phúc cũng một phần từ căn bếp mà ra. Trải qua nhiều giai đoạn, căn bếp Việt cũng có nhiều sự thay đổi. Từ vách đát, mái lá giản dị đơn sơ đến gỗ kính tinh tươm, cầu kì. Và đến bây giờ, nhiều căn bếp không có lửa.
Những sự thay đổi của gian bếp thể hiện sự thay đổi của những điều kiện về tự nhiên, kinh tế và xã hội. Mỗi giai đoạn là một câu chuyện. Nào hãy cùng Nghề Bếp Á Âu lắng nghe căn bếp kể chuyện cùng thời gian!
Vùng kinh Bắc xưa có căn nhà ba gian hai chai có phần bếp nhỏ bên hông là căn bếp vẫn nghi ngút khói hằng ngày mang lại những bữa cơm rau muống, cà dầm tương đậm tình quê. Bếp chia thành hai gian, một gian đặt bếp, chứa rạ hay củi khô, gian còn lại để một cái tủ chạn, các dụng cụ sơ chế thực phẩm, nong, nia, sàng, giần, vài cái nẹp để kẹp dao, móc nồi… Căn bếp đầu thế kỉ XX đơn sơ chủ yếu được dựng lên bằng tre, nứa, gỗ hay đất nung, cái chạn đựng chén bát với nhiều ngăn là vật dụng không thể thiếu.
Bếp đun thời ấy là những “ông đầu rau”. Đầu rau gồm ba hòn đất nặn thành hình khum, đặt chụm đầu vào nhau vững chắc để bắc nồi lên đun. Khói cay xòe cả hốc mắt, cái nồi, cái xoong cũng đen xì muội khói thế nhưng những làn khó bếp thân thương ấy lại là dấu hiệu để lũ trẻ con trông ngóng, thấy khói bếp bay lên là biết sắp đến giờ cơm, nhanh nhảu bỏ cuộc vui chơi ngoài đồng ruộng mà chạy về nhà, đoán xem hôm nay mẹ nấu món gì. Tuổi thơ là thế, những lần chơi trò quẹt lọ bếp đen xì mặt mũi, lấm la lấm lét, những lần tranh nhau miếng cơm cháy ở đáy nồi, những lúc thổi lửa sặc khói, ho khù khụ, ấy thế mà vui.
Sau này những chiếc bếp kiềng bằng sắt đã thay thế cho ba ông đầu rau đắp đất, vững vàng, gọn nhẹ hơn. Thế nhưng cũng có khi khó khăn, đặc biệt trong thời chiến, chỉ ba viên đá hay gạch là đã có thể tạo thành một cái bếp.
Đến những năm 60, 70 của thế kỉ trước, người dân Bắc Bộ chủ yếu vẫn dùng rạ để làm chất đốt, còn rơm thì để dành làm thức ăn cho trâu, bò. Đến khi hết rạ, người ta dùng củi để đun. Căn bếp không chỉ đơn thuần là nơi đun nấu mà còn là nơi cả nhà quây quần bên nhau, ăn những bữa cơm và trò chuyện cùng nhau.
Giữa thế kỉ XX, các vật liệu hiện đại như xi măng, sắt đã được đưa vào để xây dựng căn bếp. Những chiếc bếp dầu, bếp điện Liên Xô đã bắt đầu xuất hiện ở các vùng thành thị. Đây là vật dụng được xem là niềm tự hào của tầng lớp trí thức một thời. Qua thời bao cấp, kinh tế đi lên, căn bếp đã không còn ám muội than mà thay vào đó là bếp gas lửa xanh. Đến bây giờ nhiều căn bếp còn không có lấy một ngọn lửa nhờ vào bếp điện, bếp hồng ngoại. Vật dụng trang thiết bị trong nhà bếp cũng hiện đại, tinh tươm gấp hàng trăm lần những thời gian trước đó.
Căn bếp xưa đơn sơ với củi đốt, rơm, tro trấu chỉ còn ở vài vùng quê nghèo, ông đầu râu ngày nào cũng chỉ còn được nhìn thấy trong bảo tàng. Thế nhưng những lần vô tình thấy một làn khói bếp đâu đó bốc lên dù chỉ là trong thước phim thì lòng người vẫn rộn ràng kỉ niệm về những lần hì hục nhóm bếp, lấm lem, tiếng cười khúc khích vang lên trong bữa cơm bên cạnh căn bếp đỏ lửa hồng.
Ý kiến của bạn