Với hơn 4000 năm lịch sử, sự đa dạng và đậm sắc màu của Ẩm thực Việt Nam đã khiến cho nhiều nhà ẩm thực trên thế giới phải ngã mũ kính phục. Tương tự nhiều quốc gia châu Á khác trong khu vực, ẩm thực Việt Nam cũng sử dụng nguyên lý âm dương, ngũ hành vào chế biến món ăn, từ cách kết hợp nguyên liệu, cách nêm nếm gia vị, tới cách trang trí món ăn.
Nguyên lí âm dương – ngũ hành được ứng dụng rất nhuần nhuyễn trong chế biến món ăn và bạn sẽ khá ngạc nhiên khi nhận ra nó đang hiện diện ở trong những món ăn mà bạn đang thưởng thức mỗi ngày. Người Việt đã tuân thủ nghiêm ngặt luật âm dương bù trừ và chuyển hóa khi chế biến món ăn từ đơn giản tới cầu kì. Cùng NGHEBEP.COM tìm hiểu chi tiết dưới đây nhé
Nguyên lí âm dương – ngũ hành trong việc kết hợp nguyên liệu
Một trong những điều dễ nhận biết nhất chính là sự kết hợp các nguyên liệu trong việc chế biến món ăn. Tại sao phải kết hợp hột vịt lộn với rau răm và chấm muối tiêu, tại sao thịt gà phải ăn với lá chanh, thịt bò lại ăn với tỏi? Tất cả đều dựa vào nguyên lí âm dương – ngũ hành, sự tương sinh tương khắc giữa các nguyên liệu với nhau. Hột vịt lộn mang tính hàn – thuộc âm nên phải ăn với rau răm và muối tiêu mang tính nhiệt – thuộc dương để có thể đảm bảo được sự hài hòa cân đối giữa âm với dương.
Ngoài ra còn nhiều món ăn khác nhau thể hiện sự kết hợp nguyên liệu vô cùng rõ ràng: cá trê kho với gừng, cà tím kết hợp với mỡ hành dằm nước mắm, ốc phải hấp sả hoặc gừng hoặc nhiều món ăn mang tính âm phải đi kèm với muối; ớt cho vào các loại thủy hải sản; lá lốt đi với mít;…
Vậy nên, không phải ngẫu nhiên mà cha ông chúng ta lại cho những loại nguyên liệu kết hợp với nhau để tạo nên món ăn, đây là kinh nghiệm đã được đúc kết qua bao năm lịch sử.
Nguyên lí âm dương – ngũ hành trong nêm nếm gia vị
Ngũ vị có: Mặn, Đắng, Chua, Cay, Ngọt với đắng, chua mang tính âm, cay và mặn mang tính dương và ngọt là trung hòa. Và trong chế biến món ăn của người Việt cũng nêm nếm theo 5 vị này theo ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ để hương vị món ăn có thể đạt được sự hoàn hảo nhất.
Chúng ta có thể nhận thấy rõ qua những món mang đặc trưng vùng miền như canh chua cá lóc của miền Nam, chua vị me mang tính âm nên phải thêm ngọt để có thể trung hòa; bún bò Huế thiên vị cay phải đường để trung hòa lại; chè ngọt quá cũng thêm chút muối để vị ngọt sâu hơn,….
Thêm vào đó, khí hậu của các miền cũng ảnh hưởng nhiều tới việc nêm nếm trong món ăn: Miền Bắc lạnh nên ăn nhiều mỡ hơn, chế biến món ăn bằng cách xào nấu hơn; miền Nam nóng quanh năm nên ăn rau nhiều hơn, cách chế biến thường là ăn sống, luộc, hoặc nấu lẩu. Miền Bắc lạnh hơn nên thích ăn mặn (vị mặn hợp với hành thuỷ – âm), và chống nóng bằng đồ chua là đủ rồi. Miền Nam nóng hơn nên thích ăn ngọt (vị ngọt hợp với hành thổ – trung hoà) và phải dùng tới thứ cực âm là đồ đắng (canh khổ qua) mới đủ chống nóng.
Đặc biệt, chúng ta có thể nhận thấy được rõ ràng nhất về ngũ hành thông qua chén nước măm chấm: Vị mặn (Thủy) của nước mắm, đắng (Hỏa) của vỏ chanh, chua (Mộc) của chanh giấm, cay (Kim) của tiêu ớt.
Còn rất nhiều những chú ý trong ẩm thực Việt Nam theo nguyên lí âm dương – ngũ hành như sự tương tác của các từng yếu tố với sức khỏe con người, sự cân bằng sức khỏe theo ngũ hành… Bạn nên tìm hiểu kỹ hơn để có thể xây dựng được cho mình những kiến thức cần thiết và đảm bảo cho bữa ăn của gia đình được đầy đủ dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe.
Ý kiến của bạn