Dưa món, bánh bột lộc gói, chả giò và bánh thuẫn là những món ăn dân dã không thể thiếu trong những ngày đầu năm của người miền Trung. Ẩm thực trong những ngày tết cổ truyền của mỗi miền trên đất nước ta hoàn toàn không giống nhau. Mỗi nơi có một cách đón tết riêng và vì thế ẩm thực cũng khác nhau. Vậy thì, hôm nay hãy cùng Nghề Bếp Á Âu tìm hiểu xem người miền Trung chân chất, thật thà chuẩn bị những món ăn dân dã gì để đón tết nhé!
1. Dưa món
Cứ đến độ mười mấy âm lịch, năm nào cũng như năm nào, những gia đình ở vùng thôn quê miền Trung lại tích cực theo dõi dự báo thời tiết để chuẩn bị làm dưa món – một món ăn không thể thiếu trong ngày tết cổ truyển của người dân nơi đây. Tận dụng những hôm trời nắng to, bà con lại mua đu đủ, cà rốt, hành tím, củ kiệu, ớt tươi về rửa sạch, thái nhỏ và phơi khô. Sau đó, cho vào ngâm cùng nước mắm đường nhiều ngay liền. Đến tết, thì mang ra thưởng thức cùng bánh chưng, bành dày. Ngày tết với rất nhiều món ăn giàu đạm, dễ gây ngấy và sinh đầy bụng thì dưa món được xem là “phương pháp” trung hòa mà bất kỳ gia đình nào cũng cần chuẩn bị.
2. Bánh bột lọc gói
Bánh bột lọc gói là đặc sản nổi tiếng của miền Trung. Do vậy, vào mỗi dịp tết cổ truyền đến, đây là món ăn không thể thiếu của người dân nơi đây. Bánh bột lọc gói xuất hiện trên mâm cúng tổ tiên, trên bàn ăn tiếp họ hàng, trong mâm cơm… những ngày đầu năm của người miền Trung.
Để làm món bánh này, bà con phải mất khá nhiều thời gian. Sau khi làm sạch và băm nhỏ tôm, thịt cùng nấm mèo, chúng sẽ được đem đi xào chín rồi cho vào những phần bột lọc đã được ấn dẹp mỏng. Sau đó, bắt thành hình dáng mặt trăng khuyết những ngày sau rằm rồi gói lại trong những chiếc lá chuối và đem hấp chín.
3. Chả giò
Chả giò người miền Trung là món ăn mà người miền Nam hay gọi là giò lụa. Nguyên liệu để làm chả giò là thịt heo giã nhuyễn, trộn cùng chút nước mắm ngon, tiêu khô để nguyên hạt. Phương pháp chế biến món ăn này là dùng lá chuối và lạt tre để gói thành hình trụ dài rồi đem hấp chín.
Trong những bữa ăn thường ngày, người miền Trung ít dùng chả giò nhưng mỗi khi tết đến xuân về thì những nhà làm chả giò để bán lại vô cùng đắt khách. Nhà nào muốn có chả giò để cúng hay tiếp khách trong những ngày đầu năm thường phải đặt làm từ rất sớm. Nếu không thì chẳng còn.
4. Bánh thuẫn
So với những loại bánh, mứt công nghiệp thì bánh thuẫn không có màu sắc bắt mắt cũng như hương vị cuốn hút. Tuy nhiên, món bánh này lại vô cùng bổ dưỡng và rất tốt cho sức khỏe. Nguyên liệu chính để làm bánh thuẫn là trứng gà cùng một vài loại bột quen thuộc. Khi quyện đều chúng lại với nhau thì cho vào khuôn chuyên dụng và đem làm chín trên bếp than hồng.
Thông thường, mỗi dịp gần tết, nhiều gia đình ở vùng thôn quê miền Trung lại tự tay làm ra những mẻ bánh thuẫn để tiếp khách cùng ấm trà. Cắn một miếng bánh thuẫn, nhấp một ngụm trà, cuộc trò chuyện giữa những người họ hàng, bạn bè những ngày đầu năm lại có thể kéo dài vô tận. Trên đây là 4 món ăn dân dã mà người miền Trung hay chuẩn bị để đón tết. Hy vọng những thông tin này đã giúp mọi người hiểu thêm về nét ẩm thực của người miền Trung trong những ngày đầu năm.
Ý kiến của bạn